Thông tin này được đưa ra ngay sau khi đợt áp thuế bổ sung 15% của Mỹ đối với hơn 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9. Các quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, động thái mới nhất này của Mỹ hoàn toàn đi ngược lại đồng thuận chung mà các nhà lãnh đạo hai nước đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra tại Osaka (Nhật Bản) hồi tháng 6/2019. Trung Quốc khẳng định sẽ bảo vệ các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nước này, dựa trên các nguyên tắc của WTO.

Trong suốt hai năm qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã hối thúc Trung Quốc từ bỏ các hành vi thương mại mà Mỹ cho là không công bằng, cũng như thay đổi những chính sách về bảo vệ sở hữu trí tuệ, việc ép buộc chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp và tiếp cận thị trường. Diễn biến mới nhất này cho thấy cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đang leo thang và chưa có điểm dừng. Đây cũng là lần thứ 3 Trung Quốc khiếu nại Mỹ lên WTO sau khi cuộc chiến thuế quan giữa hai nước bùng phát vào năm ngoái.

Ngay sau khi mức áp thuế mới của Mỹ có hiệu lực, Trung Quốc cũng bắt đầu tăng thuế 5% đối với mặt hàng dầu thô trong gói áp thuế bổ sung lên 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Đây là lần đầu tiên mặt hàng dầu của Mỹ trở thành mục tiêu bị áp thuế kể từ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bị đẩy vào một cuộc chiến thương mại từ hơn một năm trước đây. Theo lộ trình đã định, thuế đối với mặt hàng đậu nành nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc sẽ tăng 5% lên 30% từ trung tuần tháng 12 tới. Trong khi đó, Mỹ cũng đang lên kế hoạch thực hiện giai đoạn áp thuế thứ 2 lên hàng hóa của Trung Quốc vào ngày 15/12 tới, với lý do trì hoãn được Tổng thống D.Trump đưa ra là “nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng Mỹ” khi mùa lễ hội đang tới gần.

Trong bối cảnh các lệnh áp thuế mới lên hàng hóa của nhau đang được cả giới chức Mỹ và Trung Quốc tiến hành một cách ráo riết, Tổng thống Mỹ D.Trump mới đây tuyên bố ông vẫn muốn các vòng đối thoại cấp Bộ trưởng giữa nước này với Trung Quốc sẽ vẫn diễn ra vào tháng 9/2019 theo dự kiến. Theo nhận định của giới phân tích thì ông D.Trump đang muốn sử dụng “chiến thuật kép” thông qua việc gây áp lực về thuế song song với việc nối lại đàm phán để buộc Trung Quốc cắt giảm thâm hụt thương mại với Mỹ, đồng thời thực hiện một số cải cách về cấu trúc.

Theo nhận định của một số nhà phân tích, khi các biện pháp áp thuế mới của chính phủ có hiệu lực, thì các nhà bán lẻ Mỹ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phân phối hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với một mức giá cao hơn tới người tiêu dùng. Một công trình nghiên cứu của đại học California dự báo, ngay sau khi tất cả các biện pháp đánh thuế mới được thực thi vào tháng 12/2019, mỗi hộ tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh chịu một khoản chi tiêu phụ trội lên tới 800 USD/năm.

Theo quy định, sau khi Trung Quốc bắt đầu thủ tục khiếu nại, Mỹ sẽ có 60 ngày để giải quyết vụ tranh cãi về pháp lý này. Nếu phía Trung Quốc đưa ra yêu cầu, WTO sẽ phân định mức thuế tối đa được áp dụng trong trường hợp tranh chấp với Mỹ. Tuy nhiên, tiến trình này sẽ kéo dài trong nhiều năm./.

Thu Lan (Theo NHK, Reuters, Forbes.com)