Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Á, ngày 8/5, các bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc và Pakistan đã ra tuyên bố kêu gọi các nhà tài trợ tăng cường viện trợ nhân đạo cho Afghanistan, cho rằng hoạt động này nên được tách khỏi “những cân nhắc chính trị.”
Bên cạnh đó, tuyên bố chung cũng kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Afghanistan để tạo cơ hội phát triển kinh tế và thịnh vượng cho đất nước này.
Viện trợ cho Afghanistan sẽ giảm mạnh trong năm nay do các nước tài trợ phản đối những hạn chế mà chính quyền Taliban áp đặt đối với nhân viên viện trợ nữ và cố gắng đối phó với sự gia tăng các cuộc khủng hoảng trên khắp thế giới.
[HĐBA ra nghị quyết yêu cầu Taliban từ bỏ lệnh cấm đối với phụ nữ]
Liên hợp quốc tuần trước cho biết tổ chức này sẽ tiếp tục không triển khai nhân viên tới Afghanistan sau khi chính quyền tại Kabul bắt đầu áp đặt lệnh cấm phụ nữ Afghanistan làm việc cho cơ quan quốc tế này.
Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho lời kêu gọi của Liên hợp quốc vào năm ngoái, với gần 1,2 tỷ USD.
Trong năm 2023, Mỹ là nhà tài trợ nhiều nhất với 75 triệu USD. Mặc dù khoản tài trợ đó đang cạn kiệt, nhưng lời kêu gọi của Liên hợp quốc chỉ được đáp ứng chưa tới 7% trong tổng số kháng nghị trị giá 4,6 tỷ USD.
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc khuyến cáo nền kinh tế Afghanistan sẽ gặp rủi ro nếu viện trợ tiếp tục cạn kiệt.
Trước đó, ngày 2/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo Afghanistan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong lịch sử hiện đại, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tài trợ thêm cho kế hoạch ứng phó nhân đạo của tổ chức đa phương này.
Người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết hiện 97% dân số Afghanistan đang sống trong cảnh nghèo đói, trong khi khoảng 60% dân số cần hỗ trợ nhân đạo để duy trì cuộc sống trong năm nay.
Ông Guterres cảnh báo Kế hoạch Ứng phó Nhân đạo của Liên hợp quốc mới chỉ nhận được 294 triệu USD trong số 4,6 tỷ USD cần tài trợ, tức là thiếu tới 94%.
Tổng Thư ký Guterres cũng chỉ trích các chính sách tiêu cực của Taliban đối với phụ nữ và trẻ em gái. Theo ông, việc chính quyền cấm phụ nữ làm việc cho Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước là không thể chấp nhận được.
Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh điều này đe dọa đến cuộc sống của nhiều người bởi phụ nữ góp phần quan trọng vào công tác hỗ trợ nhân đạo tại quốc gia Nam Á này, đồng thời nêu rõ lệnh cấm vi phạm nghĩa vụ của Afghanistan theo luật pháp quốc tế. Theo đó, ông tuyên bố Liên hợp quốc sẽ “không im lặng trước các cuộc tấn công có hệ thống và chưa từng có vào quyền phụ nữ và bé gái."
Kể từ khi lật đổ chính phủ tại Afghanistan vào năm 2021, chính quyền Taliban cũng đã thắt chặt kiểm soát đối với việc phụ nữ tiếp cận đời sống công cộng, bao gồm việc cấm phụ nữ học đại học và đóng cửa các trường trung học dành cho nữ sinh.
Taliban nói rằng họ tôn trọng quyền của phụ nữ theo cách giải thích nghiêm ngặt về luật Hồi giáo.
Bên cạnh đó, giới chức Taliban cho rằng các quyết định về nữ nhân viên cứu trợ là "vấn đề nội bộ."./.
Ngọc Thúy (TTXVN/Vietnam+)