Trong một tuyên bố ngày 29/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định Bắc Kinh luôn ủng hộ Nga và Ukraine vượt qua khó khăn và tiếp tục đàm phán, đồng thời hoan nghênh mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy hòa bình.
Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, khi trả lời câu hỏi về chuyến thăm gần đây của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tới Nga và Ukraine, ông Triệu Lập Kiên nêu rõ: "Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực hòa giải của ông Guterres nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Trung Quốc luôn ủng hộ Nga và Ukraine vượt qua khó khăn và tiếp tục đàm phán, đồng thời hoan nghênh mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế có lợi cho việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình."
Theo ông Triệu Lập Kiên, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã kéo dài hơn hai tháng, gây "ảnh hưởng rộng khắp, với mức độ ngày càng trở nên rõ rệt và đáng quan ngại."
Ông cho biết cuộc xung đột này và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã khiến giá năng lượng ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 44,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
[Ukraine được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 cùng Nga]
Song song với việc lạm phát đang gia tăng, những tác động này khiến người dân ngày càng bị ảnh hưởng, trong khi "ở chiều ngược lại, các nhà buôn vũ khí, buôn ngũ cốc và thương nhân Mỹ lại kiếm được nhiều lợi nhuận."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đồng thời khẳng định rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia khác để hóa giải những căng thẳng hiện nay giữa Nga và Ukraine.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 29/4, chính phủ Na Uy thông báo nước này sẽ tuân theo khuyến nghị của Liên minh châu Âu (EU) và đóng cửa các cảng biển đối với các tàu của Nga, ngoại trừ tàu đánh cá.
Tuy không phải là thành viên EU nhưng quốc gia Bắc Âu này hiện đã áp dụng gần như tất cả các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga mà EU đưa ra kể từ sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2 vừa qua.
Lệnh cấm các tàu mang cờ Nga ghé các cảng của Na Uy sẽ có hiệu lực từ ngày 7/5 tới, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến các tàu đánh cá, trong đó có nhiều tàu cập cảng Na Uy hoặc quần đảo Svalbard của Na Uy./.
(TTXVN/Vietnam+)