Các nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc ngày 6/3 bày tỏ tin tưởng kinh tế nước này có thể phục hồi mạnh mẽ trong năm nay, bất chấp những “cơn gió ngược.”
Hàng nghìn đại biểu đã đến Bắc Kinh trong tuần này để tham dự kỳ họp lưỡng hội - bao gồm Kỳ họp thứ hai Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (CPPCC - Chính Hiệp) và Kỳ họp thứ hai Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân Đại, tức Quốc hội) khóa 14 - để thảo luận chiến lược cho năm tới.
Trong cuộc họp báo ngày 6/3 với sự có mặt của cùng lúc 5 quan chức cấp cao hàng đầu phụ trách vấn đề kinh tế, ông Trịnh Sách Khiết, Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, cho biết những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ lớn hơn những yếu tố bất lợi trong năm 2024.
Ông Trịnh Sách Khiết khẳng định xu hướng phục hồi kinh tế sẽ được củng cố và tăng cường hơn nữa.
Tuy nhiên, ông Trịnh Sách Khiết cũng thừa nhận rằng năm 2024 vẫn xuất hiện những thách thức, bao gồm “những rủi ro tiềm ẩn” cùng môi trường bên ngoài “phức tạp và khắc nghiệt.”
Trung Quốc đối mặt với một loạt vấn đề về kinh tế, trong đó có cuộc khủng hoảng ở lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao kỷ lục, tình trạng giảm phát và dân số đang già hóa nhanh.
Cũng xuất hiện trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào đã giải thích chi tiết hơn về những thách thức đó, bao gồm “áp lực theo hướng suy giảm” đối với tăng trưởng toàn cầu.
Xuất khẩu của Trung Quốc, vốn là động lực tăng trưởng quan trọng trong lịch sử nước này, đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016 vào năm ngoái.
Diễn biến đó phản ánh căng thẳng với Mỹ và quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu trì trệ đang khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng trong nước.
Bộ trưởng Vương Văn Đào cho biết mặc dù xuất khẩu của Trung Quốc phục hồi trong hai tháng đầu năm nay, nhưng tháng Ba có thể sẽ sụt giảm.
Dù vậy, ông Vương Văn Đào khẳng định xu hướng chung là xuất khẩu của Trung Quốc sẽ đi lên.
Ông Phan Công Thắng, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), cho biết ngân hàng trung ương này sẽ giữ đồng nhân dân tệ về cơ bản ổn định.
Ông khẳng định PBoC có nhiều công cụ chính sách tiền tệ trong tay, đồng thời lưu ý rằng vẫn còn dư địa để cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng thương mại.
Trước đó, hồi tháng 1/2024, PBoC đã cắt giảm RRR đối với các ngân hàng tới 50 điểm cơ bản, mức cắt giảm lớn nhất trong hai năm qua.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Ngô Thanh, người đứng đầu cơ quan giám sát chứng khoán của Trung Quốc, cho biết sẽ nỗ lực thu hút đầu tư dài hạn và giải quyết các vấn đề sâu xa trên thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới để vực dậy niềm tin của nhà đầu tư.
Khi đề cập tới vấn đề nợ của các chính quyền địa phương, Bộ trưởng Tài chính Lam Phật An cho biết rủi ro nhìn chung nằm trong tầm kiểm soát và sẽ đưa ra một loạt biện pháp để tiếp tục giải quyết chúng.
Theo số liệu mới nhất hiện có, nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc ở mức tương đương 76% GDP vào năm 2022, tăng từ mức 62% hồi năm 2019 và vượt xa khoản nợ của chính phủ trung ương ở mức 21%.
Phiên họp năm nay của lưỡng hội Trung Quốc đang được giới quan sát theo dõi chặt chẽ để tìm những dấu hiệu cho thấy chính phủ nước này sẽ tăng cường hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chính phủ Trung Quốc ngày 5/3 đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) "khoảng 5%" trong năm nay - "giấc mơ" của nhiều quốc gia phát triển phương Tây.
Tuy nhiên, con số đó tương tự mục tiêu năm ngoái của Trung Quốc, vốn là một trong những mục tiêu thấp nhất của nước này trong nhiều thập kỷ qua./.