Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 27/7 dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho biết, đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất với biến thể Delta được phát hiện ở thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, có quy mô có thể tương tự hoặc lớn hơn đợt bùng phát dịch trước đó ở Quảng Châu, dự kiến sẽ kết thúc vào giữa tháng Tám sau hai giai đoạn ủ bệnh dài nhất.
Chính quyền địa phương cho hay biến thể Delta đã được phát hiện trong đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất ở Nam Kinh khi thành phố này báo cáo 31 ca bệnh mới lây truyền tại địa phương trong ngày 27/7, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 112 trường hợp, bao gồm 106 trường hợp được xác nhận và sáu trường hợp không có triệu chứng.
Hầu hết các trường hợp mới được báo cáo đều được phát hiện tại các khu vực quản lý trọng điểm và có liên quan đến sân bay Lộc Khẩu, nơi các ca nhiễm bệnh lần đầu tiên được phát hiện.
Trong một cuộc họp báo, nhà chức trách y tế thành phố Nam Kinh cho biết, đợt xét nghiệm axit nucleic thứ ba đã được triển khai tại các quận liên quan.
Nam Kinh đã vạch ra kế hoạch tăng cường các biện pháp chống dịch, bao gồm đình chỉ các doanh nghiệp hoạt động trong các khu vực kín như KTV, rạp chiếu phim và phòng tập thể dục, cũng như hạn chế dòng người đến các khu chợ và trung tâm mua sắm.
Biến thể Delta đã được phát hiện trong làn sóng nhiễm bệnh gia tăng đột ngột mới nhất, với khả năng thích ứng với cơ thể người tốt hơn, tốc độ lây nhiễm nhanh hơn và tải lượng virus cao hơn.
Nhà chức trách cho biết, những bệnh nhân bị nhiễm loại biến thể này nhiều khả năng có các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Một chuyên gia chống dịch yêu cầu giấu tên bày tỏ tin tưởng rằng quy mô của đợt bùng phát dịch mới nhất ở Nam Kinh có thể tương tự hoặc thậm chí lớn hơn đợt bùng phát dịch bệnh trước đó ở thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, nơi các ca bệnh bị nhiễm biến thể Delta được phát hiện vào cuối tháng Năm.
Chuyên gia này dự đoán tổng số người nhiễm bệnh ở Nam Kinh cùng các ca lây lan có thể lên tới khoảng 250 trường hợp và kết thúc vào giữa tháng Tám sau hai giai đoạn ủ bệnh dài nhất.
[Trung Quốc ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới do biến thẻ Delta]
Dương Chiếm Thu, Phó Trưởng Khoa Sinh học Mầm bệnh tại Đại học Vũ Hán, nói rằng 17 bệnh nhân, tất cả đều là nhân viên dọn vệ sinh tại sân bay quốc tế Lộc Khẩu và có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào ngày 21/7, có khả năng liên quan đến các ca bệnh nhập khẩu vì họ có thể đã tiếp xúc với các vật liệu bị nhiễm virus từ bệnh nhân nhập khẩu. Một số chuyên gia đổ lỗi cho việc quản lý sân bay không tốt, có thể dẫn đến việc lây lan virus.
Nhân viên y tế kiểm tra các mẫu xét nghiệm COVID-19 tại phòng thí nghiệm tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô,Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chuyên gia Dương Chiếm Thu ngày 27/7 nói rằng, các ca bệnh đã tăng vọt trong tuần kể từ khi những bệnh nhân đó có kết quả xét nghiệm dương tính, phù hợp với hành vi lây truyền của biến thể có thời gian ủ bệnh ngắn - thường là khoảng bốn ngày. Thời gian ủ bệnh ngắn có nghĩa là virus có thể lây nhiễm cho nhiều người hơn trong mỗi đơn vị thời gian, điều này đòi hỏi một phản ứng tức thời hơn để chống lại sự lây nhiễm.
Chuyên gia Dương Chiếm Thu dự đoán số trường hợp mắc bệnh trong những ngày tới sẽ giảm.
Thành phố Nam Kinh đã nâng các mức độ nguy cơ dịch bệnh vào ngày 26/7, nâng số khu vực có nguy cơ cao lên bốn và số khu vực có nguy cơ trung bình lên 25. Lối vào và lối ra của tất cả các khu dân cư ở Nam Kinh đang được kiểm soát chặt chẽ, với việc cấm tất cả các gói hàng hoặc giao nhận thực phẩm.
Chính quyền địa phương cho biết, bắt đầu từ ngày 26/7, thành phố đã đình chỉ hoạt động của tám bến xe buýt đường dài, cũng như các dịch vụ xe buýt du lịch. Khoảng 19 tuyến xe buýt có đường đi đến các khu vực lân cận hiện bị hạn chế ở bên trong thành phố…
Bên cạnh đó, năm tỉnh và chín thành phố đã báo cáo các ca bệnh liên quan đến đợt bùng phát dịch ở Nam Kinh, bao gồm các tỉnh Quảng Đông, Tứ Xuyên, An Huy và Liêu Ninh.
Chuyên gia Dương Chiếm Thu cho biết, sự xuất hiện của các ca bệnh lẻ tẻ ở một số khu vực là không thể tránh khỏi vì biến thể Delta đã phát triển để có khả năng chịu đựng tốt hơn trong môi trường mới.
Chuyên gia này giải thích rằng, biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, nơi chủ yếu là nhiệt đới, nó đã trở thành virus chịu đựng được nhiệt độ cao hơn./.
Tiến Trung (TTXVN/Vietnam+)