Kinh tế Trung Quốc được cho là đã tăng trưởng chậm lại trong ba tháng đầu năm 2024, khi nước này tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng bất động sản và hoạt động tiêu dùng trì trệ.
Mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng
Các quan chức Trung Quốc trong tháng trước đã đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay - một con số mà họ thừa nhận là "không dễ dàng" và là mục tiêu mà các nhà phân tích cho là đầy tham vọng trước những khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, vẫn có một số điểm sáng được ghi nhận tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Số liệu được công bố vào tháng trước cho thấy sản xuất công nghiệp đã tăng vọt ngay cả khi tiêu dùng vẫn chậm chạp, phản ánh sự phục hồi không đồng đều
Các nhà phân tích cho biết họ dự kiến kinh tế Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 4,6% trong quý đầu tiên của năm nay, giảm từ mức 5,2% của quý trước đó. Trong khi đó, các nhà phân tích được hãng tin Bloomberg thăm dò dự đoán tỷ lệ này sẽ ở mức 4,8%.
Theo giới phân tích, những khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn là một gánh nặng đối với nền kinh tế, khi giá nhà tiếp tục giảm và các nhà phát triển hàng đầu bao gồm Country Garden và Vanke đã gửi đi những tín hiệu kém sáng về lợi nhuận cũng như thách thức trong việc trả nợ.
Chuyên gia kinh tế trưởng Brian Coulton của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings chia sẻ với hãng tin AFP: “Sự yếu kém dai dẳng của lĩnh vực bất động sản và việc tiêu dùng hộ gia đình sụt giảm…” sẽ cản trở tăng trưởng.
Các nhà hoạch định chính sách đã công bố một loạt biện pháp, bên cạnh việc phát hành hàng tỷ USD trái phiếu chính phủ nhằm thúc đẩy chi tiêu hạ tầng và tiêu dùng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng họ cần phải làm nhiều hơn nữa dưới hình thức kích thích kinh tế quy mô lớn (còn gọi là "bazooka").
Rủi ro ngày càng tăng
Cơ quan xếp hạng Fitch trong tháng này đã hạ triển vọng tín nhiệm quốc gia của Trung Quốc xuống mức tiêu cực và cảnh báo về "rủi ro ngày càng tăng đối với triển vọng tài chính công của nước này." Theo Fitch, quốc gia châu Á đang phải đối mặt với nhiều "triển vọng kinh tế không chắc chắn."
Người dân mua sắm tại siêu thị ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Các nhà phân tích cho rằng cam kết hỗ trợ của nhà nước đối với lĩnh vực bất động sản vẫn chưa tác động đến thị trường hoặc người tiêu dùng. Mặc dù vậy, chuyên gia Gene Ma, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Tài chính Quốc tế, nói với AFP: “Người mua nhà vẫn rất lạc quan.”
Tiêu dùng chậm chạp là một vấn đề đáng lo ngại khác. Tháng trước, doanh số bán lẻ - chỉ số chính về tiêu dùng hộ gia đình - đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đã giảm so với tháng trước, mặc dù Trung Quốc vừa trải qua kỳ nghỉ lễ.
Chuyên gia Heron Lim, nhà phân tích của cơ quan xếp hạng Moody, chia sẻ với AFP: “Nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu sẽ vẫn là lực cản” đối với tăng trưởng, mặc dù sản xuất công nghiệp có sự cải thiện.
Những lo ngại rằng Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng giảm phát trở lại cũng là một lực cản lớn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm trong vài tháng kể từ tháng 8 năm ngoái, trước khi tăng 0,7% trong tháng 2.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ vào tháng trước, làm dấy lên lo ngại về giảm phát.
Trong giai đoạn giảm phát, hàng hóa trở nên rẻ hơn nhưng lại gây ra mối đe dọa cho nền kinh tế nói chung khi người tiêu dùng có xu hướng trì hoãn việc mua hàng với hy vọng giá tiếp tục giảm.
Nhu cầu sụt giảm có thể buộc các công ty phải cắt giảm sản xuất, ngừng tuyển dụng hoặc sa thải công nhân, đồng thời có khả năng phải giảm giá hàng tồn kho hiện có - làm giảm lợi nhuận ngay cả khi chi phí không thay đổi.
Chuyên gia Gene Ma nói: “Lạm phát là cơn sốt của nền kinh tế, trong khi giảm phát là căn bệnh ung thư. Giảm phát kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng và đầu tư”./.
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035 nếu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm ở mức khoảng 5% trong 5 năm tới và ít nhất là 4% cho đến năm 2035.