Giới phân tích nhận định, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có thể chuẩn bị cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong bốn năm để hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất tại cuộc họp vào cuối tháng Bảy như nhận định.
Các nhà quan sát thị trường cho rằng nhiều khả năng PBoC sẽ theo bước Fed hạ lãi suất trong ngắn hạn. Nếu đúng như vậy thì đây cũng không phải lần đầu tiên PBoC hành động theo Fed. Trước đó, vào các năm 2017 và 2018, PBoC đã có động thái tương tự chỉ vài giờ sau khi Fed nâng lãi suất ngắn hạn, dù không "mạnh tay" như Fed, với chỉ 5-10 điểm cơ bản.
Trong bối cảnh các phát biểu của nhiều quan chức Trung Quốc không cho thấy tín hiệu về việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, nền kinh tế nước này vẫn giảm tốc dù một loạt các biện pháp kích thích đã chính quyền Bắc Kinh được thực hiện, trong khi cuộc chiến thương mại với Mỹ vẫn kéo dài và gây ra những thiệt hại đáng kể.
[Ngân hàng trung ương Trung Quốc ''bơm'' tiền vào thị trường]
Một số nhà phân tích cho rằng tăng trưởng GDP của Trung Quốc đang ở gần ngưỡng dưới trong khoảng mục tiêu mà Chính phủ đề ra cho năm 2019 là 6-6,5%. Điều này cho thấy nền kinh tế nước này sẽ sớm cần thêm sự hỗ trợ.
Trong nỗ lực thúc đẩy hoạt động cho vay, PBoC đã bơm một lượng lớn thanh khoản vào hệ thống tài chính dưới nhiều hình thức trong năm qua, đặc biệt là nhằm vào các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các biện pháp hỗ trợ đã không thúc đẩy được đầu tư như dự kiến, khi triển vọng kinh doanh không chắc chắn khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại trước quyết định về các khoản đầu tư mới, vốn rất cần thiết để ổn định nền kinh tế. Theo các nhà phân tích, việc cắt giảm lãi suất trên toàn bộ hệ thống có thể mang đến sự hỗ trợ ngay lập tức cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Thị trường dự báo Fed sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới, sau đó có thể hạ tiếp vài lần trong năm nay và năm tới nếu kinh tế Mỹ suy yếu. Trong khi đó, Trung Quốc không điều chỉnh lãi suất cho vay kỳ hạn một năm hay lãi suất tiền gửi kể từ tháng 10/2015, do nước này ưu tiên sử dụng các hoạt động trên thị trường tiền tệ để tác động đến lãi suất ngắn hạn cùng những chương trình cho vay đặc biệt để hướng dòng tín dụng đến các lĩnh vực gặp khó khăn.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà quan sát không loại trừ khả năng Trung Quốc buộc phải hạ lãi suất nếu tình hình kinh tế trong và ngoài nước xấu đi đáng kể./.
Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)