Ngày 30/7, Trung Quốc đã tái khẳng định lập trường phản đối việc đa phương hóa Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), cho rằng Mỹ cần cắt giảm hơn nữa kho hạt nhân, phù hợp với các hiệp ước hiện hành, hơn là đùn đẩy nghĩa vụ sang các quốc gia khác.
Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết "Trung Quốc lo ngại và phản đối khả năng hiệp ước bị từ bỏ sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này," "Trung Quốc chắc chắn sẽ không đồng ý biến INF thành một hiệp ước đa phương," đồng thời kêu gọi Mỹ và Nga giải quyết bất đồng thông qua đối thoại cũng như nỗ lực hết mình để duy trì INF.
Việc đa phương hóa hiệp ước, vốn bản chất là một hiệp ước song phương, sẽ tạo ra các vấn đề về chính trị, quân sự, pháp lý cũng như một loạt vấn đề phức tạp khác.
[Nga cáo buộc Mỹ âm mưu rút khỏi hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện]
Theo thông tin truyền thông, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono ngày 29/7 đã kêu gọi một cấu trúc mới bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp trong trường hợp Hiệp ước INF hết thời hạn, cho rằng các nước ngoài hiệp ước vẫn đang phát triển vũ khí.
Bà Hoa Xuân Oánh khẳng định cái gọi là "cấu trúc mới" do Ngoại trưởng Nhật Bản đề xuất không thể giúp cứu vãn INF mà về bản chất chỉ phục vụ như một cái cớ cho Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước, "chính sách quốc phòng mà Trung Quốc theo đuổi về bản chất mang tính phòng thủ."
Bà cho rằng đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo để Trung Quốc tham gia đối thoại chiến lược giữa Mỹ và Nga cũng như các hiệp ước liên quan là một hình thức trá hình của "việc xoay chuyển nghĩa vụ"./.
Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)