Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 13/4 cho rằng cộng đồng quốc tế cần cảnh giác cao độ trước việc Nhật Bản tăng mạnh chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây, đồng thời kêu gọi phía Nhật Bản hành động thận trọng trong các vấn đề quân sự và an ninh.
Ông Uông Văn Bân đưa ra phát biểu trên tại một cuộc họp báo thường kỳ khi được yêu cầu bình luận về những thông tin cho biết Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã ký hợp đồng trị giá 2,84 tỷ USD với Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi để phát triển lực lượng tên lửa mới có khả năng tấn công các mục tiêu cách Nhật Bản hơn 1.000km, và thông tin cho rằng Nhật Bản cũng có kế hoạch triển khai vũ khí siêu thanh vào năm 2026 và phát triển tên lửa siêu thanh phóng từ tàu ngầm có tầm bắn 3.000 km vào đầu những năm 2030.
Ông Uông Văn Bân nói rằng Trung Quốc đặc biệt lưu ý đến những thông tin trên và sẽ theo dõi sát sao những diễn biến tình hình.
Theo ông, Nhật Bản đã liên tục thổi phồng vấn đề “mối đe dọa từ Trung Quốc,” thường xuyên vi phạm các cam kết, tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, phát triển vũ khí tấn công và tìm kiếm “năng lực tấn công chống kẻ thù.”
Người phát ngôn trên cũng hối thúc Chính phủ Nhật Bản suy nghĩ sâu sắc về lịch sử xâm lược của mình, tôn trọng nghiêm túc những mối quan ngại an ninh của các nước láng giềng châu Á, trung thành với chính sách quốc phòng theo định hướng phòng vệ, kiên định con đường phát triển hòa bình, thận trọng về các vấn đề quân sự và an ninh.
[Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Nhật Bản hội đàm tại Bắc Kinh]
Trước đó, Trung Quốc và Nhật Bản ngày 10/4 đã tiến hành vòng tham vấn cấp cao lần thứ 15 về các vấn đề trên biển.
Trong bối cảnh năm 2023 đánh dấu 45 năm ký Hiệp ước hòa bình và hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản, hai bên nhất trí rằng theo chỉ đạo về những nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo hai nước, cần nỗ lực rà soát lại và tuân thủ tinh thần của hiệp ước, xử lý thỏa đáng các bất đồng và tranh chấp trên biển thông qua đối thoại phù hợp với thỏa thuận nguyên tắc 4 điểm giữa Trung Quốc và Nhật Bản, và làm sâu sắc thêm hợp tác thiết thực trên biển.
Tại cuộc đối thoại, hai bên đã đưa ra quan điểm chính thức về các vấn đề trên biển, trong đó có Biển Hoa Đông, quần đảo tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trong khi Nhật Bản gọi là Senkaku, Biển Đông và Eo biển Đài Loan./.
(Vietnam+)