Ngày 20/6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC - ngân hàng trung ương) đã giảm thêm 2 chỉ số lãi suất cho vay quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm (LPR) được điều chỉnh giảm 10 điểm cơ bản xuống 3,55%, trong khi kỳ hạn 5 năm cũng giảm từ 4,3% xuống 4,2%.
Việc cắt giảm lãi suất mới nhất được thực hiện sau 2 động thái nới lỏng tiền tệ vào tuần trước.
[Đồng nhân dân tệ suy yếu đang hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc]
PBOC đã giảm cơ sở cho vay trung hạn 1 năm từ 2,75% xuống 2,65% ngày 15/6 vừa qua. Ngân hàng cũng hạ lãi suất mua lại đảo ngược 7 ngày (repo) vào ngày 12/6, lần đầu tiên kể từ tháng 8/2022 từ 2% xuống 1,9%.
Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết quyết định giảm lãi suất chính sách dẫn đến việc cắt giảm LPR trong tháng này.
Theo ông, điều này sẽ giúp giảm lãi suất cho vay thực tế một cách hiệu quả, giảm chi phí tài chính, kích thích nhu cầu tín dụng và củng cố đà tăng của lĩnh vực tiêu dùng và đầu tư.
Số liệu được đưa ra gần đây cho thấy kinh tế Trung Quốc phục hồi không như kỳ vọng.
Ngày 7/6 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) công bố số liệu cho biết tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước này trong 5 tháng đầu năm nay đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 16.770 tỷ nhân dân tệ (2.352 tỷ USD).
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 2 năm nay, chấm dứt 2 tháng tăng trưởng liên tiếp do đà phục hồi sau dịch COVID-19 yếu dần.
Trong khi đó, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trong tháng 5 tăng lên mức cao kỷ lục 20,8%.
Trước tình hình này, giới chuyên gia kêu gọi các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay để giảm gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ.
Theo thông báo trên trang mạng, một số ngân hàng thương mại nhà nước lớn của Trung Quốc đã giảm lãi suất tiết kiệm trong tháng 6 này để thúc đẩy chi tiêu, sau yêu cầu của PBOC./.
(TTXVN/Vietnam+)