Trung Quốc có thể sẽ chờ đến đầu năm 2024 để cắt giảm lãi suất chủ chốt nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, các hình thức nới lỏng khác như cắt giảm các loại lãi suất ngắn hạn hơn, hoặc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc, trước cuối năm 2023 vẫn đang được cân nhắc.
Nhận định trên được rút ra sau cuộc khảo sát mới nhất của Bloomberg với các chuyên gia kinh tế.
Các nhà kinh tế Duncan Wrigley và Kelvin Lam tại Pantheon Macronomics Ltd. cho rằng chính sách tiền tệ đang đóng vai trò thứ hai sau chính sách tài khóa trong việc hỗ trợ kinh tế phục hồi.
Mặc dù dữ liệu gần đây vẫn cho thấy một số điểm khó khăn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng nhìn chung nền kinh tế này đang trên đà đạt được hoặc vượt mục tiêu tăng trưởng chính thức hàng năm của chính phủ là khoảng 5%.
Các chuyên gia tham gia khảo sát dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay và 4,5% vào năm 2024. Những con số này không thay đổi so với cuộc thăm dò vào tháng trước.
Các nhà kinh tế của Tập đoàn Goldman Sachs hy vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa trong những tháng tới.
Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng trung ương nước này) đã hạ lãi suất đối với công cụ cho vay trung hạn MLF hai lần vào tháng 6 và tháng 8/2023 để hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế.
Các nhà kinh tế vẫn đang đánh cược rằng chính phủ sẽ xem xét bổ sung thanh khoản cho hệ thống tài chính thông qua các biện pháp khác, đặc biệt là để đảm bảo phát hành nợ chính phủ đối với các dự án cơ sở hạ tầng.
Chuyên gia kinh tế Erica Tay thuộc Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank nhận định rằng cần có thêm hỗ trợ tài chính để thúc đẩy tăng trưởng GDP trong năm tới./.