Còn về diễn biến dịch bệnh, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 18/9 cho thấy, hiện toàn thế giới có 204.928.258 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 18.741.845 ca bệnh đang điều trị thì có 18.641.330 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,5%) và 100.515 ca (chiếm 0,5%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 57.427.449 trường hợp, trong đó có 1.200.780 ca tử vong và 52.560.467 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 126.977 ca nhiễm mới.
Tình hình dịch bệnh tại Anh đang diễn biến phức tạp ngay cả khi chiến dịch tiêm chủng vẫn đang tiếp tục được mở rộng. Trong 24 giờ qua, quốc gia châu Âu này ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao nhất trong khu vực (32.651 ca), nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 7.371.301 ca tính đến thời điểm hiện tại.
Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 18/9, hiện 42,9% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 5,88 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 28,56 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp, dù đã được cải thiện song vẫn còn khiêm tốn ở mức 1,9%.
|
Hiện Bắc Mỹ có 51.370.009 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.044.611 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 42.791.421 ca nhiễm và 690.680 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, Mỹ là nước ghi nhận nhiều số ca mắc mới COVID-19 nhất trên thế giới, với 150.403 trường hợp.
Không những phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mạnh ở trong nước, Mỹ đang chịu áp lực phải giúp đẩy nhanh độ phủ tiêm chủng toàn cầu. Đến nay Mỹ đã hỗ trợ cho các nước 140 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và sẽ phấn đấu để có thể hỗ trợ khoảng 500 triệu liều trong năm nay và năm sau. Tuy nhiên, giới chuyên gia mong muốn Chính quyền Tổng thống J.Biden không chỉ đẩy mạnh hỗ trợ vaccine mà còn thúc đẩy tăng cường sản xuất vaccine trên toàn cầu.
Trước bối cảnh trên, ngày 17/9, Nhà Trắng thông báo sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu vào tuần tới nhằm tìm cách đẩy mạnh các nỗ lực tiêm chủng cho thế giới. Hội nghị sẽ là cơ hội để Mỹ sẽ kêu gọi các nước đưa ra "tham vọng lớn hơn" về một loạt chủ đề như nỗ lực tiêm chủng cho thế giới, tăng nguồn cung cấp oxy và các thiết bị bảo hộ y tế.
Tính đến sáng 21/8 Nam Mỹ có 36.536.792 ca nhiễm COVID-19, với 1.119.147 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 20.528.099 ca nhiễm.
|
Nhân viên y tế chủng ngừa vaccine COVID-19 cho người dân tại một trạm tiêm chủng ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày 17/9/2021. (Ảnh: Xinhua) |
Do sự lây lan của biến thể Delta, nhiều nước châu Á vẫn đang gồng mình chống chọi với dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, châu Á ghi nhận nhiều ca mắc mới COVID-19 nhất trên thế giới, với 189.952 trường hợp. Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực này là 73.763.637 trường hợp, với 1.092.863 ca tử vong và 69.637.418 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 3.033.356 ca bệnh đang điều trị thì có 37.929 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 33.415.889 ca, trong đó có 444.563 ca tử vong.
Vào thời điểm số các ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng mạnh, giới chức Ấn Độ đang tích cực đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng trên quy mô toàn quốc. Ngày 17/9, Ấn Độ đã lập kỷ lục mới với việc tiêm hơn 20 triệu mũi vaccine phòng COVID-19 trong một ngày. Đây là một bước tiến quan trọng cho chương trình chủng ngừa COVID-19 của nước này nhân dịp sinh nhật của Thủ tướng Narendra Modi (17/9/1950).
Hiện Ấn Độ đã tiêm tổng cộng khoảng 787 triệu mũi vaccine kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 1, trong đó có 190 triệu mũi hai. Như vậy, đây là lần thứ 4 Ấn Độ tiêm hơn 10 triệu mũi vaccine/ngày chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 71 của Thủ tướng Modi, đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền đã yêu cầu các cơ sở của đảng này trên toàn quốc nỗ lực hỗ trợ để đưa một số lượng lớn người đi tiêm.
Tính đến sáng 18/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.208.635 trường hợp, trong đó có 205.906 ca tử vong và 7.463.964 ca bình phục. Trong tổng số 538.765 ca đang điều trị thì có 3.967 ca trong tình trạng nguy kịch. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 2.877.063 ca nhiễm COVID-19 và 85.952 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 2.328 ca nhiễm COVID-19. Hiện khu vực này có tổng số 197.978 trường hợp ca mắc COVID-19, với 2.328 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 82.200 ca, tiếp theo sau là Fiji với 49.719 ca./.
T.Lan