Triều Tiên phóng vật thể về vùng biển phía Đông 

(ĐCSVN) – Sáng 19/10, Triều Tiên đã phóng vật thể không xác định ra vùng biển phía Đông nước này. Hiện chưa có thông tin cụ thể về loại hay số lượng vật thể được phóng. Tuy nhiên, diễn biến mới nhất được đánh giá là “một bước lùi” trong nỗ lực hàn gắn quan hệ và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên phóng vật thể về vùng biển phía Đông

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết: vào 10 giờ 17 phút sáng 19/10, Triều Tiên đã phóng vật thể bay từ một địa điểm gần Sinpo, thuộc tỉnh Nam Hamgyong, ra vùng biển phía Đông của nước này.

Trong khi đó, truyền thông Hàn Quốc nhận định Triều Tiên có thể đã thực hiện vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM). Quả tên lửa đã bay được khoảng cách 590 km, ở độ cao 60 km. Trước đó, Triều Tiên đã thực hiện các vụ phóng SLBM vào năm 2015 và 2019. Quân đội Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên đã sử dụng xà lan thay vì tàu ngầm để thực hiện các vụ phóng thử tên lửa trong quá khứ.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn một số nguồn tin cho biết, vụ phóng thiết bị vào sáng 19/10 được Triều Tiên thực hiện chỉ ít lâu sau khi các quan chức tình báo Mỹ và Hàn Quốc phát hiện những dấu hiệu “khả nghi” ở khu vực gần Sinpo, nơi Triều Tiên đang triển khai việc lắp đặt một con tàu ngầm tải trọng 3.200 tấn, có khả năng thực hiện các vụ phóng SLBM.

Trong một thông báo gửi tới truyền thông vào sáng 19/10, JCS nêu rõ, giới chức tình báo Mỹ và Hàn Quốc đang phân tích kỹ lưỡng các tình tiết bổ sung từ vụ phóng của Triều Tiên. Đây là vụ phóng vật thể thứ 8 do Triều Tiên thực hiện từ đầu năm 2021. Trước đó, nước này đã phóng thử một tên lửa siêu thanh mới có tên gọi Hwasong-8 vào ngày 28/9.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản khẳng định Triều Tiên đã phóng 2 quả tên lửa đạn đạo, lần lượt vào 10 giờ 15 phút và 10 giờ 16 phút sáng 19/10. Các quả tên lửa được cho là rơi xuống vùng biển thuộc khu vực phía Đông bán đảo Triều Tiên.

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản thì vụ phóng tên lửa của Triều Tiên không gây ra thiệt hại về vật chất. Cơ quan này đang phân tích các thông tin liên quan tới vụ phóng, gồm cả việc liệu các quả tên lửa của Triều Tiên có rơi xuống bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản hay không.

Bộ Chỉ huy Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM)  đã ngay lập tức lên án vụ phóng tên lửa, kêu gọi Triều Tiên kiềm chế không thực hiện thêm các hành vi gây bất ổn. Tuyên bố của INDOPACOM cũng nêu rõ, ngay cả khi vụ phóng không gây ra mối đe dọa trực tiếp tới các cá nhân, vùng lãnh thổ hay các đồng minh của Mỹ thì cơ quan này vẫn sẽ tiếp tục đánh giá và theo sát tình hình. “Cam kết của Mỹ nhằm bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản là không thay đổi” – tuyên bố viết.

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh các Đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đang nhóm họp ở Washington (Mỹ) để thảo luận về các nỗ lực chung nhằm đưa Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán.

Trước đó, trong ngày 18/10, Đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc Noh Kyu-duk và người đồng cấp Mỹ Sung Kim hội đàm và thảo luận về sáng kiến của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về chính thức tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), coi đây là một biện pháp hiệu quả để xây dựng niềm tin với Bình Nhưỡng.

Dự kiến, trong tuần này, Đặc phái viên hạt nhân của Mỹ sẽ tới Seoul (Hàn Quốc) để tiếp tục thảo luận với đồng minh về chính sách ngoại giao với Triều Tiên./.

 
Thu Lan (Theo NHK, Yonhap)
127 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1016
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1016
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87077912