Hiệp định đình chiến đã được ký kết ngày 27/7/1953, giữa Bộ chỉ huy Liên hợp quốc, quân đội Triều Tiên và các lực lượng vũ trang Trung Quốc. Triều Tiên coi 27/7 là một ngày lễ.
Lễ kỷ niệm diễn ra sau hai ngày khi Triều Tiên phóng hai tên lửa tầm ngắn từ một vị trí thuộc bán đảo Hodo, gần thị trấn bờ biển Wosan thuộc phía Đông nước này về hướng biển Nhật Bản. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) đánh giá các tên lửa này có tầm bắn khoảng 600 km. Các quả tên lửa này có thể đã được phóng đi từ một bệ phóng di động (TEL) và đã rơi xuống biển Nhật Bản.
Từ sáng sớm, hàng nghìn người dân và quân nhân đã tới đặt hoa trước tượng đài cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và cố lãnh đạo Kim Jong Il trên đồi Mansu ở trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng. Hàng ngàn sinh viên đã tụ tập đông đảo tại các quảng trường ở thủ đô để tham dự các buổi múa hát.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Nghĩa trang liệt sỹ chiến tranh giải phóng Tổ quốc. (Nguồn: exploredprk.com)
Theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), sáng 27/7, ông Kim Jong-un đã bày tỏ sự tôn kính tại Nghĩa trang liệt sỹ chiến tranh giải phóng Tổ quốc để kỷ niệm 66 năm ngày ký hiệp định đình chiến cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Đặt hoa trước nghĩa trang, ông Kim Jong-un ca ngợi sự hy sinh của những quân nhân Triều Tiên trong cuộc chiến tranh này dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Nhật Thành, đồng thời khẳng định công lao đó sẽ luôn ngời sáng trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước.
Các khẩu hiệu mừng “chiến thắng” xuất hiện tại các nơi công cộng ở thủ đô Bình Nhưỡng. Tại các con phố chính, nơi nhiều năm trước các băng rôn, áp phích với các khẩu hiệu chỉ trích Mỹ thì nay không còn, cho thấy Triều Tiên mong chờ các cuộc đàm phán tiếp theo với Mỹ mà không có sự can thiệp từ phía Hàn Quốc.
Cũng theo KCNA, hôm thứ Sáu cho biết việc Triều Tiên phóng 2 tên lửa tầm ngắn là “vũ khí dẫn đường chiến thuật kiểu mới” nhằm gửi đi một lời cảnh báo “nghiêm túc” chống lại kế hoạch của Hàn Quốc tiến hành tập trận chung với Mỹ vào tháng tới. Triều Tiên từ lâu kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung, mà Bình Nhưỡng coi là sự tập dượt cho một cuộc xâm lược.
Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến được các bên ký vào ngày 27/7/1953 tại Panmunjom chứ không phải một Hiệp ước hòa bình, khiến hai miền Triều Tiên trên lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Hàn Quốc ngày 27/7 cũng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 66 năm Hiệp đình chiến chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Phát biểu tại buổi lễ chính thức được tổ chức ở thủ đô Seoul, với sự tham dự của các cựu chiến binh, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak- yon tái khẳng định những nỗ lực của Chính phủ nước này nhằm thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Thủ tướng Hàn Quốc nói: “Với sự ủng hộ của nhiều quốc gia, nước Cộng hòa Hàn Quốc đã tái thiết lập được hòa bình và đưa đất nước tiến tới thịnh vượng. Tuy nhiên, sứ mệnh của chúng ta vẫn chưa kết thúc. Hàn Quốc sẽ thúc đẩy các cuộc đối thoại với Triều Tiên, cũng như các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên vì một giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.”
Theo Hiệp định đình chiến này, tất cả các hoạt động quân sự trên bán đảo Triều Tiên đều bị đình chỉ, vĩ tuyến 38 được ấn định là giới tuyến phân chia hai miền Nam - Bắc Triều Tiên với một khu phi quân sự (DMZ) được thiết lập ở biên giới hai miền Triều Tiên. Những diễn biến tích cực gần đây trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và thượng đỉnh lịch sử Mỹ- Triều được hy vọng sẽ dẫn đến Hiệp ước hòa bình sẽ được ký kết, chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên diễn ra ngày 27/4/2018, kể từ sau Hiệp định đình chiến 1953, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã công bố nguyện vọng về một bán đảo Triều Tiên hòa bình, thịnh vượng và không có vũ khí hạt nhân. Seoul xem đây là một bước tiến đầy ý nghĩa và dùng nó để thúc đẩy thượng đỉnh giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cũng vào ngày 30/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp và bắt tay Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại khu DMZ. Tổng thống Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên./.
Hoài Hà (Theo Yonhap, mainichi.com)