Triệu Phong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong cải tạo đàn bò 

(QT) - Được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong đã thực hiện đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo nhằm phát triển đàn bò huyện Triệu Phong giai đoạn 2015- 2017”.

Hiện toàn huyện Triệu Phong có đàn bò hơn 7.130 con, trong đó bò cái trưởng thành đang sinh sản là 2.500 con, tỷ lệ sinh sản đạt 80%, tỷ lệ bê cái trưởng thành đến thời kỳ sinh sản đạt 80%. Phương thức chăn nuôi hiện nay ở Triệu Phong là bán chăn thả chiếm 47%, thả rông chiếm 36% và nuôi nhốt chiếm 17%. Thực hiện chương trình Zebu hóa đàn bò, từ năm 1996 đến cuối 2013 toàn huyện đã có 2.483 con bò lai, chiếm 34,8% tổng đàn (bình quân bò lai ra đời tăng 2% năm). Tuy nhiên, tỷ lệ tăng số lượng bò lai của huyện vẫn còn quá thấp so với kế hoạch và nhu cầu phát triển ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò nói riêng đối với địa phương. Do đó, việc thực hiện đề tài là cần thiết nhằm thúc đẩy tăng trưởng số bò lai trên địa bàn.

 

Đề tài được thực hiện nhằm lựa chọn các tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả trong chăn nuôi bò lai; tạo cơ sở bố trí sử dụng đất đai hợp lý thu hút các nguồn đầu tư, trong đó quan trọng là nguồn đầu tư của nông dân vào phát triển ngành nông nghiệp mà chú trọng là ngành chăn nuôi, nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện. Các biện pháp được thực hiện là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác lai tạo bò lai bằng thụ tinh nhân tạo (TTNT) để tạo ra bê lai F1 B.B.B. Sau 12 tháng tiến hành đánh giá hiệu quả kinh tế chăn nuôi bò lai F1 làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Đối tượng nghiên cứu là bò B.B.B (bò trắng xanh Bỉ) là giống siêu thịt của Vương quốc Bỉ. Bò có ba màu lông chủ yếu là trắng, trắng loang xanh và trắng loang đen. Thân hình đẹp, đồ sộ, cấu trúc xương vững chắc, hài hoà với xương sườn tròn, mông không dốc, đuôi dài với túm lông dày ở cuối. Bò đực trưởng thành có khối lượng 1.100 - 1.250 kg; bò cái 700 - 750 kg; bê sơ sinh 44 kg. Bò B.B.B. có khả năng sản xuất thịt tốt. Mức tăng trọng bình quân đạt 1,3 kg/ngày. Tỷ lệ thịt xẻ đạt 66%. Hệ số sử dụng thức ăn được công nhận là tốt nhất trong các giống bò thịt hiện nay (khoảng 5,5 - 7 kg thức ăn/kg tăng trọng). Phẩm chất thịt thơm, ngon. Bê lai F1 sơ sinh có khối lượng trung bình 25 - 28 kg. Khả năng tăng trọng cao, khối lượng lúc 24 tháng tuổi đạt 500 - 520 kg. Tỷ lệ thịt xẻ 58 - 60%.

 

55 hộ nông dân được chọn tham gia thực hiện đề tài đều là các hộ có tay nghề, có kinh nghiệm chăn nuôi, được điều tra trước khi tiến hành và các hộ phải cam kết thực hiện tốt. Sau khi tuyển chọn, các hộ được tập huấn kỹ thuật về cách chăm sóc nuôi dưỡng bò mẹ, bò bê con ra đời, kỹ thuật trồng chăm sóc cỏ và kỹ năng ghi chép số liệu. Số lượng bò cái sinh sản được chọn để thực hiện đề tài là 117 con. Các chỉ tiêu được theo dõi và ghi ghép thường xuyên, đầy đủ gồm: các chỉ tiêu ở mô hình trồng cỏ VA06 như khả năng sinh trưởng, số lứa thu hoạch/năm; chu kỳ động dục của bò cái; tiến hành thụ tinh; số lần phối/ con; tỷ lệ đậu thai sau lần 1 và lần 2 khi phối; tỷ lệ mắc các bệnh sản khoa; tỷ lệ đẻ sau khi đậu thai; khối lượng sơ sinh của bê lai; tỷ lệ bê lai nuôi sống đến 6 tháng tuổi; khả năng tăng trọng qua các tháng tuổi của bê lai; khả năng thích nghi của bê lai và một số bệnh thường gặp; các biện pháp phòng trị; tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng; so sánh các chỉ tiêu của bê lai B.B.B và bê lai Zebu trên địa bàn triển khai, so sánh hiệu quả kinh tế của các mô hình so với chăn nuôi truyền thống...

 

Huyện có đội ngũ cán bộ thú y và cán bộ chuyên trách nông nghiệp xã tham gia tập huấn, điều tra, có kinh nhiệm trong chuyên môn, hiểu rõ địa bàn, ghi chép đầy đủ là một thuận lợi lớn để tiến hành triển khai dự án. Ngoài ra, 4 dẫn tinh viên có tay nghề cao trong công tác TTNT cho bò chịu trách nhiệm phối giống bằng phương pháp TTNT trên các tiểu vùng. Trong quá trình thực hiện dự án, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, giám sát các hộ thực hiện tốt các khâu chăm sóc thú y, đặc biệt chú trọng đến công tác tiêm phòng bắt buộc vắc xin các bệnh truyền nhiễm trước khi phối giống. Đồng thời, hướng dẫn các hộ tiêm một số thuốc tăng cường sức đề kháng cho bò mẹ trong thời kỳ mang thai.

 

Cập nhật kịp thời ngày đẻ của các bò nái trong các hộ đã phối tinh B.B.B. Bà Phan Thị Lành ở thôn Nhan Biều 1, xã Triệu Thượng cho biết: “Qua kiểm tra theo dõi bê lai ra đời cho thấy trọng lượng bê sơ sinh cao (từ 25,5 đến 29 kg/con), trong lúc bình quân bê lai sind sơ sinh 16-18 kg/con. Bê sau khi sinh nhanh nhẹn, sau sinh khoảng 4 giờ bê có thể đi lại mạnh khỏe. Đặc biệt tất cả các bê lai sinh đẻ dễ dàng và tự đẻ, chưa có trường hợp có can thiệp của cán bộ thú y. Nhìn chung, bê lai BBB có nhiều ưu thế về trọng lượng sơ sinh và thích ứng ban đầu. Qua theo dõi bê lai BBB sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, chưa có trường hợp phải điều trị bệnh hoặc chết trong và sau sinh. Để đảm bảo nguồn thức ăn xanh cho bò lai, chúng tôi đã tiến hành trồng cỏ VA06”.

 

Trong quá trình triển khai dự án, Phòng NN&PTNT phối hợp với Trạm Thú Y hướng dẫn các hộ tham gia dự án một số loại thuốc cần sử dụng cho bò nái trong các giai đoạn trước khi phối giống, mang thai và sau đẻ, trong đó chú trọng một số loại thuốc bắt buộc như vắc xin THT, LMLM, tẩy nội ngoại ký sinh trùng trước khi phối giống; bổ sung can xi và khoáng vi lượng... nhằm nâng cao sức khỏe, sức đề kháng cho bò cái mang thai. Dự án còn thực hiện hỗ trợ thức ăn tinh cho bò mẹ đang cho con bú. Bò mẹ sau khi sinh được kiểm tra, nghiệm thu được hỗ trợ 75 kg thức ăn tinh để phối trộn cho bò mẹ ăn. Đồng thời hướng dẫn cách phối trộn thức ăn tinh theo công thức đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho sinh trưởng của bò trong các thời kỳ từ tháng thứ 1 đến tháng thứ 6, từ tháng thứ 7 trở đi không cho ăn thức ăn tinh để bò mẹ dễ sinh đẻ. Thời kỳ sau khi đẻ, nên duy trì bổ sung thức ăn tinh suốt thời gian cho con bú để đảm bảo đủ sữa chất lượng cho bê lai sinh trưởng tốt.

 

Qua thời gian thực hiện chương trình đã khẳng định được hiệu quả và thu hút người dân tham gia phương pháp TTNT cho bò. Phương pháp chọn bò nái lai sind đạt tiêu chuẩn mở rộng trong nhân dân trên toàn huyện có nhiều lợi thế cho công tác TTNT được nhân rộng nhanh, bền vững. Phát triển chăn nuôi bò kết hợp trồng cỏ tạo nguồn thức ăn và chế biến phối trộn thức ăn tinh cho bò mẹ đang thời kỳ nuôi con và vỗ béo bò là khoa học có hiệu quả cao so với chăn nuôi truyền thống như hiện nay. Bê lai B.B.B có đầu nhỏ nên sinh đẻ dễ dàng hơn bê lai khác. Anh Hoàng Quang Dưỡng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong, chủ nhiệm đề tài cho biết: Chương trình cải tạo đàn bò bằng phối tinh BBB nâng cao tầm vóc, chất lượng thịt và nâng cao giá trị kinh tế trong chăn nuôi bò phù hợp với xu thế phát triển ngành chăn nuôi của huyện. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, ban, ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ nên người dân dễ hiểu, dễ làm.

 

Sau khi có kết quả dự án cũng đã tổ chức hội thảo đầu bờ gồm các chuyên gia, các nhà quản lý và các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện để chia sẻ kinh nghiệm, bổ sung hoàn thiện kết quả nghiên cứu, xử lý những khó khăn vướng mắc trong chăn nuôi bò lai BBB”. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, chương trình cải tạo đàn bò theo hướng siêu thịt còn gặp một số khó khăn như tình hình chăn nuôi nông hộ còn nhỏ lẻ và phần lớn là chăn thả hoặc bán chăn bán thả nên việc điều tra tuyển chọn bò nái đạt tiêu chuẩn, công tác phát hiện bò động dục, công tác phối giống cũng như chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra có nhiều khó khăn. Nuôi bò lai F1 BBB chất lượng cao, đòi hỏi đầu tư kinh phí cao và có khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, tránh tình trạng thả rông bò trên đồng ruộng dễ ảnh hưởng thuốc BVTV dẫn đến bò sảy thai, đẻ non...

 

Bê lai BBB có một số đặc điểm chưa đẹp mắt nên nông dân chưa ưa thích. Muốn chăn nuôi bò trở thành ngành sản xuất theo hướng hàng hoá, phải đẩy mạnh công tác giống bò cho phù hợp với phương thức chăn nuôi thâm canh, vừa tăng cường công tác cải tạo giống bò địa phương bằng TTNT với giống bò ngoại để nâng tầm vóc, năng suất của đàn nái nền, đồng thời tiến hành chọn tạo, sử dụng các tổ hợp lai theo hướng bò thịt, bò sữa, bò kiêm dụng thích nghi với đặc điểm sinh thái của địa phương trong những năm tiếp theo. Đề tài đã khẳng định phương pháp khoa học và hiệu quả trong chăn nuôi bò có ứng dụng tiến bộ KHCN. Do đó, những năm tiếp theo cần được nhân rộng kết quả của đề tài nhằm góp phần thúc đẩy chăn nuôi bò trên địa bàn huyện Triệu Phong phát triển.

 

Võ Thái Hòa

 
 

 

1119 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 925
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 925
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77438468