Ngày nay, với việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp. Tuy nhiên, đi đôi với những kết quả đạt được, trong sản xuất nông nghiệp hiện đã xuất hiện tình trạng người dân lạm dụng các hóa chất trong quá trình sản xuất, chăn nuôi, từ đó dẫn đến nhiều bất cập như đất đai bạc màu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Để khắc phục những nhược điểm trên, nông nghiệp nước ta đang từng bước chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Trên thị trường, người tiêu dùng cũng đang hướng đến sử dụng những sản phẩm nông sản sạch, thịt sạch để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Là một trong những địa phương trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh, đầu năm 2015, được sự tài trợ của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, huyện Triệu Phong triển khai mô hình canh tác tự nhiên tại 5 xã gồm: Triệu Trạch, Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Tài và Triệu Thượng với 2 mô hình sản xuất được áp dụng chủ yếu là: Trồng rau kết hợp nuôi gà và trồng lúa kết hợp nuôi lợn. Theo đó, đối với mô hình trồng rau kết hợp nuôi gà, trong 2 năm toàn huyện đã trồng được 7.500 m2 rau màu và nuôi 6.000 con gà theo phương pháp canh tác tự nhiên, với 60 hộ tham gia. Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi lợn đã thực hiện được 9 ha lúa (sản xuất 2 vụ) và nuôi 218 con lợn, với 91 hộ tham gia theo phương pháp canh tác tự nhiên.
Bà Nguyễn Thị Lộc, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong cho biết: “ Nguyên tắc của canh tác tự nhiên là sử dụng các dưỡng chất truyền thống, có sẵn tại địa phương, lên men, gia tăng vi sinh vật có lợi; không làm nghèo đất, che phủ bề mặt, hạn chế cày xới. Đặc biệt đối với phương pháp canh tác này hoàn toàn không dùng phân hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học. Trong chăn nuôi không dùng chất kích thích tăng trọng, sử dụng kháng sinh bừa bãi. Nhờ vậy, khi áp dụng phương thức canh tác tự nhiên sẽ bảo vệ môi trường, đất đai ngày càng tốt lên, các loại bệnh trên cây trồng, vật nuôi được đẩy lùi”. Chẳng hạn như trong sản xuất lúa, rau, người nông dân buộc phải sử dụng giống xác nhận trở lên, thực hiện đắp đập, be bờ thường xuyên để hạn chế cỏ dại. Khâu làm đất và cỏ dại phải thực hiện thủ công, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, sử dụng chế phẩm vi sinh (đạm cá lên men, nước trái cây lên men, vỏ cây lên men); sử dụng các Nitrate thảo mộc (tỏi, gừng, ớt...) để phun phòng trừ bệnh cho cây...
Trong chăn nuôi lợn, gà, người dân cần mua giống ở nơi cung cấp có uy tín, nguồn gốc rõ ràng; làm chuồng hở, làm nền bằng đệm lót (tro, trấu, rơm, đất...thay cho nền xi măng), thức ăn được sử dụng chủ yếu có nguồn gốc từ tự nhiên như cám, ngô, khoai, sắn, rau, bèo và các chế phẩm vi sinh... Về mặt kinh tế, phương pháp canh tác tự nhiên tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương nên chi phí sản xuất thấp, việc sử dụng các chế phẩm sinh học sẽ giúp cây trồng, vật nuôi có sức đề kháng cao hơn, ít bị dịch bệnh, sản phẩm sản xuất ra đảm bảo an toàn nên bán được giá cao hơn, giúp tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nông dân tại các địa phương. Sau 2 năm triển khai thực hiện, phương pháp canh tác tự nhiên đã đem lại kết quả rất khả quan.
Theo kết quả tính toán từ Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong cho thấy, trong chăn nuôi gà, nuôi 100 con sau thời gian 5 tháng, nếu không tính công lao động thì phương thức canh tác tự nhiên sẽ lãi trên 4,6 triệu đồng, trong khi đó nuôi 100 con gà bằng thức ăn công nghiệp, thời gian nuôi có rút ngắn còn 4 tháng nhưng chỉ lãi được trên 1,7 triệu đồng. Đối với nuôi lợn, sau 4 tháng nuôi 3 con lợn, không tính công lao động thì phương thức canh tác tự nhiên sẽ lãi trên 1,6 triệu đồng, nhưng nếu nuôi 3 con lợn bằng thức ăn công nghiệp, sau 3 tháng nuôi chỉ lãi 195 ngàn đồng.
Từ kết quả trên có thể thấy, áp dụng phương thức canh tác tự nhiên trong chăn nuôi sẽ cho lãi cao, ít rủi ro về bệnh tật, chất lượng sản phẩm sẽ cao hơn hẳn so với chăn nuôi có sử dụng thức ăn công nghiệp. Nếu xây dựng được thương hiệu, tìm đầu ra ổn định thì giá bán sản phẩm sản xuất bằng phương pháp canh tác tự nhiên sẽ cao hơn và người nuôi sẽ thu lợi nhuận nhiều hơn nữa. Đối với cây lúa, phương pháp canh tác tự nhiên giai đoạn đầu tuy cho năng suất thấp hơn so với phương thức sản xuất thông thường khoảng 30-40 kg/sào.
Tuy nhiên, do chi phí sản xuất thấp, giá bán sản phẩm cao nên trồng lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên sẽ cho lợi nhuận nhiều hơn sản xuất thông thường khoảng 17 triệu đồng/ha. Do sản xuất hoàn toàn tự nhiên nên hiệu quả mà phương pháp canh tác tự nhiên đem lại rất rõ tại huyện Triệu Phong. Trước hết, sản xuất theo phương pháp này sẽ đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người sử dụng. Trong quá trình sản xuất, người dân thực hiện mô hình hoàn toàn yên tâm từ khâu gieo trồng đến chăm sóc, thu hoạch, không lo sợ độc hại khi đi phun các chế phẩm và thuốc thảo mộc. Sản phẩm do quá trình canh tác tự nhiên tạo ra đảm bảo an toàn tuyệt đối với người sử dụng, chất lượng sản phẩm tốt hơn.
Bên cạnh đó, canh tác tự nhiên đảm bảo thân thiện và tái tạo môi trường, cân bằng sinh thái, hướng đến canh tác bền vững. Quá trình sản xuất cũng đã tận dụng được những phế phẩm trong nông nghiệp để làm chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng, vật nuôi; tận dụng nguồn rác thải hữu cơ để làm phân bón, từ đó góp phần tích cực vào giữ gìn môi trường xanh- sạch- đẹp, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Bên cạnh đó, thực hiện phương pháp canh tác tự nhiên sẽ đem lại hiệu quả xã hội rõ nét, đó là làm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất cũ, hình thành phương thức sản xuất mới, giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường, sản xuất ra các sản phẩm an toàn.
Trao đổi thêm với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lộc, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong cho biết: “Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2017, huyện Triệu Phong đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tổ chức Tầm nhìn thế giới Hàn Quốc cam kết hỗ trợ triển khai thực hiện dự án “Phát triển chuỗi giá trị địa phương đối với các nông sản áp dụng phương pháp canh tác tự nhiên”, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tập huấn cho người dân trong bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, cách tiếp cận thị trường...cho người dân tại các xã đang triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp theo phương pháp canh tác tự nhiên. Bên cạnh đó, huyện Triệu Phong cũng đã có sự hỗ trợ cụ thể nhằm khuyến khích người dân mở rộng phương pháp sản xuất này.
Cụ thể, đối với các đơn vị sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên có quy mô lớn sẽ được huyện hỗ trợ để xây dựng kênh mương, giao thông nội đồng, công cụ sạ hàng, hỗ trợ công làm cỏ... Địa phương cũng sẽ tiến hành xây dựng các cửa hàng để giới thiệu các sản phẩm được sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên; xây dựng thương hiệu, công bố sản phẩm gạo Triệu Phong. Tổ chức, thành lập các tổ hợp tác sản xuất tại các địa phương để nâng cao hiệu quả sản xuất...”.
Thanh Lê