Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nêu rõ, Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2017 đã tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển công tác trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm thuận lợi trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Đây là một trong những đạo luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, thể hiện bản chất nhân văn, tiến bộ của nhà Nước đối với các đối tượng chính sách, thiệt thòi trong xã hội. Với nhiều điểm mới, tiến bộ, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật TGPL năm 2006, Luật TGPL năm 2017 sẽ giúp cho hoạt động TGPL ngày càng chuyên nghiệp và có bước phát triển mới. Vì vậy việc triển khai Luật cần được thực hiện bài bản, hiệu quả để mỗi người dân, cơ quan, tổ chức hiểu đúng, đầy đủ, trên cơ sở đó tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật.

 

 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: TH).

Giới thiệu về những nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp lý năm 2017 và kế hoạch triển khai thi hành Luật, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Minh cho biết, Luật đã khẳng định rõ nét hơn trách nhiệm của Nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý và có sự phân biệt hoạt động này với dịch vụ pháp lý thiện nguyện của các tổ chức xã hội. Bên cạnh đó, Luật cũng mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý theo các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với bản chất của trợ giúp pháp lý và điều kiện đặc thù của đất nước.

Luật cũng đã nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL thông qua việc chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện TGPL, quy định tiêu chuẩn tham gia việc thực hiện TGPL đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và quản lý chất lượng vụ việc TGP; tập trung thực hiện vụ việc TGPl theo đúng bản chất của hoạt động TGPL…

Đáng chú ý, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường cơ chế bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý; thể hiện rõ nét quan điểm lấy người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân biết và thực hiện quyền của mình như quy định phải công bố danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để người dân biết và thực hiện quyền lựa chọn của mình; có thể yêu cầu trợ giúp pháp lý thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; thụ lý giải quyết khi người yêu cầu chưa thể cung cấp hồ sơ theo quy định nhưng cần thực hiện trợ giúp pháp lý ngay như vụ việc sắp hết thời hiệu, sắp đến ngày xét xử.

Nhằm triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Cục trưởng Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cần tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý; xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý; nâng cấp và vận hành trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý, phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý.  Cùng với đó, nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL; rà soát người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPl và người thuộc diện TGPL trên từng địa bàn…

Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung trao đổi, thảo luận về những điểm mới trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; những khó khăn, vướng mắc có thể gặp phải trong quá trình triển khai thi hành Luật. Trên cơ sở đó, nêu lên các giải pháp để triển khai có hiệu quả Luật TGPL như: tăng cường công tác phối kết hợp giữa Trung tâm TGPL nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên thực tế mà Luật chưa tiên liệu được; chú trọng việc kiểm tra, giám sát, tạo lập cơ chế thông tin hai chiều để cùng giám sát, đánh giá chất lượng thực hiện công việc được giao của người thực hiện TGPL và người tiến hành tố tụng; nâng cao chất lượng thực hiện vụ việc TGPL…/.

 Ngày 12/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1355/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành, địa phương đã xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý.

 

 

Thu Hằng