Phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng, ngày 22/9, Tổng thống Mỹ D.Trump cho biết, dù hiện nay không có phương án nào bị bác bỏ hoàn toàn, song ông không có kế hoạch gặp người đồng nhiệm Iran Hassan Rouhani khi tham dự phiên họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc.

Cách đây ít lâu, ông D.Trump đã từng đề cập tới việc sẵn sàng gặp Tổng thống Iran để tháo gỡ những nút thắt trong quan hệ hai nước. Chính vì thế, tuyên bố mới nhất này được xem là “một sự thay đổi lập trường” từ phía người đứng đầu Nhà Trắng sau khi Mỹ cáo buộc Iran tấn công các nhà máy lọc dầu của Ả rập Xê út và có động thái gia tăng sức ép thông qua việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới chống Tehran, đồng thời công bố ý định triển khai thêm quân tới khu vực Trung Đông.


Cuộc gặp gỡ được trông đợi giữa Tổng thống Mỹ D.Trump (trái) và người đồng nhiệm Iran Hassan Rouhani sẽ không thể diễn ra trong một tương lai gần? (Ảnh: Getty)

Trả lời phỏng vấn hãng tin ABC News, ngày 22/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định các biện pháp ứng phó trên đều nhằm mục tiêu “răn đe”, còn Mỹ vẫn muốn một giải pháp hòa bình cho tình hình căng thẳng hiện nay. Quan chức ngoại giao này cũng lưu ý thêm rằng, Liên hợp quốc đã định nghĩa chính xác về “hành động tấn công của một nước nhằm vào nước khác” và hy vọng tổ chức này sẽ đưa ra một lập trường mạnh mẽ trong vấn đề Iran.

Cùng ngày, mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) cũng đăng bài trả lời phỏng vấn của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif lên án các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này, đồng thời khẳng định thêm rằng, những diễn biến nêu trên sẽ chỉ càng khiến cho triển vọng diễn ra các vòng đàm phán trong tương lai giữa Mỹ và Iran thêm mờ nhạt.

“Họ (phía Mỹ) muốn biến các vòng đàm phán cũng như sự thay đổi trở thành điều không thể...Kịch bản Tổng thống Mỹ D.Trump hay người kế nhiệm của ông gỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Iran là rất khó xảy ra” – ông Zarif nhận định.

Tuyên bố này được ông Zarif đưa ra ngay sau khi Bộ Tài chính Mỹ, vào cuối tuần trước thông báo về việc Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) đã trừng phạt ngân hàng trung ương Iran (CBI), Quỹ phát triển quốc gia Iran (NDF) và tập đoàn Etemad Tejarate Pars, theo thẩm quyền chống khủng bố, Sắc lệnh hành pháp số 13224, sau khi chính quyền Tổng thống D.Trump cáo buộc Iran chịu trách nhiệm về vụ tấn công các cơ sở lọc dầu của Ả rập Xê út. Bên cạnh đó, thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ cũng cáo buộc CBI đã bỏ ra hàng tỷ USD cho lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC), đội biệt kích tinh nhuệ Quds Force của IRGC và phong trào Hezbollah tại Li-băng.

Theo kế hoạch, trong ngày hôm nay (23/9), Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ lên đường tới New York để tham dự phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và sẽ có cuộc gặp gỡ song phương với Tổng thống Pháp Emmanel Macron – người mà trong nhiều tháng trở lại đây đã tỏ rõ quyết tâm cứu vãn bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử và hàn gắn mối quan hệ Mỹ-Iran. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Iran cũng chính thức tuyên bố về việc ông sẽ không gặp gỡ Tổng thống D.Trump chừng nào Washington chưa gỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Tehran.

Những tuyên bố mới nhất của các nhà lãnh đạo Mỹ và Iran gần như đã “đặt dấu chấm hết” cho triển vọng diễn ra các vòng đàm phán giữa hai nước trong tương lai gần. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cơ hội để các bên cùng tiến tới một giải pháp hạ nhiệt căng thẳng tại Trung Đông cũng như mối quan hệ leo thang chưa có điểm dừng giữa Mỹ và Iran lại càng trở nên mờ nhạt. Trước bối cảnh trên, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, ngày 22/9 đã tuyên bố rằng, mục tiêu chính của nước này tại phiên họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc thiên về việc xoa dịu mối quan hệ đang bị kéo căng giữa Mỹ và Iran, hơn là dàn xếp một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Tổng thống hai nước.

“Việc thu xếp tổ chức cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống D.Trump và Tổng thống Hassan Rouhani không phải là mục tiêu số 1 của chúng tôi. Mục tiêu ưu tiên của chúng tôi là việc liệu có thể tái khởi động một giải pháp hạ nhiệt căng thẳng với sự tham gia của các bên khác nhau” – ông Jean-Yves Le Drian nói.

Cũng theo quan điểm của đại diện ngoại giao Pháp thì hiện cánh cửa dẫn tới việc nối lại các vòng đối thoại giữa Mỹ và Iran vẫn chưa bị đóng lại. Tuy nhiên, triển vọng để mục tiêu này trở thành sự thật đã bị đẩy ra xa sau khi các nhà máy lọc dầu của Ả rập Xê út bị tấn công còn Mỹ lại hướng lời cáo buộc về phía Iran./.

Thu Lan (Theo PressTV, NHK)