Trên quê hương ba lần anh hùng 

(QT) - Vĩnh Giang là một trong những địa danh lịch sử nằm bên bờ Bắc sông Bến Hải, đã từng trải qua sự hủy diệt tàn khốc của bom đạn giặc Mỹ, có Bến đò B được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Giang vinh dự được Đảng, Nhà nước 3 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (trong đó 2 lần đối với lực lượng dân quân, du kích xã).

 

 

 

 

 

Xã Vĩnh Giang phát động phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm xã đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND (1967- 2017). Ảnh: PM

 

 

 

Từ một vùng quê tiêu điều đổ nát sau chiến tranh, Vĩnh Giang bắt tay xây dựng lại cơ đồ với hai bàn tay trắng, thiếu thốn mọi bề. Việc khai hoang phục hóa đất đai dày đặc bom đạn để trồng rau màu chống đói là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu rồi mới tiến dần đến xóa nghèo. Phải mất một thời gian dài thời hậu chiến, vùng quê này mới khôi phục, ổn định cuộc sống và định hướng phát triển trong tương lai. Theo thời gian, Vĩnh Giang từng bước đi lên bằng nội lực, dựa vào điều kiện tự nhiên, đồng thời loại bỏ những cây trồng, vật nuôi không thích hợp để chuyển hướng phát triển nền kinh tế nông nghiệp mang tính hàng hóa, phát triển mạnh kinh tế phi nông nghiệp, phát triển nền kinh tế địa phương đa dạng và năng động theo cơ chế thị trường.

 

 

 

Qua mỗi nhiệm kỳ đại hội, Đảng ủy xã đã có những nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội sát với tình hình thực tế, có những nghị quyết chuyên đề nhằm khuyến khích, động viên nhân dân đầu tư vốn mở mang ngành nghề làm ăn theo khả năng của mỗi gia đình, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Cơ cấu kinh tế của xã từng bước thay đổi phù hợp với sự phát triển. Từ chỗ sản xuất thuần lúa, màu và chăn nuôi truyền thống, Vĩnh Giang đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mới: Tỷ trọng nông nghiệp 45%, ngư nghiệp-tiểu thủ công nghiệp 30%, thương mại-dịch vụ 25%. Trong tương lai, cơ cấu này sẽ được thay đổi cho phù hợp với thực tế phát triển.

 

 

 

Sau 30 năm đổi mới, xã Vĩnh Giang đã có những đổi thay vượt bậc, số lượng hộ nghèo giảm qua từng năm, hộ khá và giàu ngày càng tăng, làng quê ngày càng đổi mới. Trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, những năm qua, nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ và chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo là xây dựng nông thôn mới, công tác cán bộ và công tác chính sách- xã hội. Tính đến cuối năm 2016, hộ nghèo của xã là 17,73%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 26 triệu đồng/năm.

 

 

 

Cuộc sống của người dân được cải thiện, phát triển theo chiều hướng bền vững. Tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp, tăng nhanh giá trị thu nhập đối với cây trồng, vật nuôi. Xã giữ vững các loại cây trồng, vật nuôi như: lúa 209,5 ha hai vụ, cây hồ tiêu 149,1 ha, lạc cả năm 49 ha, cây ăn quả 15 ha, rau màu, đậu 43,5 ha, duy trì đàn trâu bò trên 1.000 con, phát triển đàn gia cầm gần 25.000 con, nuôi tôm bán thâm canh 18,5 ha, nuôi cá 45 ha, duy trì đánh bắt thủy sản ở những nơi có điều kiện…

 

 

 

Bên cạnh đó, xã quy hoạch, mở rộng các mô hình chăn nuôi trang trại, phát triển mô hình vườn-ao-chuồng trên vùng cát, vùng ao hồ ven đê sông Bến Hải, quy hoạch các vùng nuôi cá nước ngọt tại khu vực các HTX Tân Mỹ, Cổ Mỹ, Di Loan. Xã còn chú trọng phát triển ngành nghề, kinh doanh dịch vụ, khuyến khích con em đi lao động nước ngoài và ngoại tỉnh tăng 15% so với trước. Kinh doanh dịch vụ trên địa bàn cũng tăng mạnh trong những năm gần đây. Các ngành nghề mở ra như mộc, nề, xay xát, vận chuyển, sản xuất vật liệu, chế biến, tạp hóa, buôn bán nhỏ…đạt thu nhập hàng năm 71 tỷ đồng. Thu nhập bình quân lao động dịch vụ trên địa bàn đạt 41 triệu đồng/người/ năm.

 

 

 

Xây dựng cơ sở hạ tầng, kiến thiết cơ bản của xã có bước đột phá trong những năm qua với tổng giá trị đầu tư xây dựng cơ bản của xã 4,275 tỷ đồng/1,904 tỷ đồng, đạt 224,6% kế hoạch. Các công trình đã hoàn thành như: Bê tông hóa kênh mương nội đồng và đường giao thông nông thôn ở thôn Cổ Mỹ, nhà văn hóa và đường nội đồng thôn Tân Mỹ, tường rào trường mầm non, đường bê tông thôn Di Loan…Một số công trình đã được cấp vốn năm 2016 đang được xây dựng gồm nhà văn hóa thôn Cổ Mỹ, phòng học trường mầm non…

 

 

 

Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã đầu tư nâng cấp nhà cửa, tường rào, huy động ngày công, tự giác hiến đất, hiến cây để mở rộng đường, chỉnh trang thôn xóm… với tổng trị giá trên 12 tỷ đồng, tạo ra diện mạo nông thôn xanh-sạch-đẹp. Đến cuối năm 2016, Vĩnh Giang đạt 16/19 tiêu chí với 32/39 nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới. Song song với phát triển kinh tế, xã chỉ đạo phát triển các lĩnh vực xã hội như: Văn hóa thông tin, thể dục thể thao, giáo dục- đào tạo, y tế, dân số-gia đìnhtrẻ em, công tác chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo…

 

 

 

Xã Vĩnh Giang có 7/7 thôn và 2 đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa, 96,7% đạt tiêu chí gia đình văn hóa. Làng Tùng Luật là đơn vị văn hóa điểm đầu tiên của tỉnh vẫn giữ vững và phát huy làng văn hóa kiểu mẫu của huyện. Thôn Tân An được UBND tỉnh tặng bằng khen là đơn vị văn hóa xuất sắc 5 năm liên tục giai đoạn 2012-2016; Vĩnh Giang duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020; trường tiểu học và mầm non đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia mức độ 1, trường tiên tiến cấp huyện; xã đạt chuẩn phổ cập 3 cấp học. Công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng được chú trọng. Xã phát động xây dựng 2 mô hình thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên tại thôn Tân An và thôn Di Loan.

 

 

 

Các chính sách đối với người có công ngày càng được quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần. Hộ nghèo và hộ khó khăn được đầu tư từ các nguồn để xây dựng và tu sửa nhà ở theo chỉ tiêu đề ra. Công tác quốc phòng-an ninh, xây dựng chính quyền, thực thi pháp luật… luôn được quan tâm, củng cố qua từng năm. Vĩnh Giang là một trong những xã có phong trào toàn dân bảo vệ trật tự, trị an thôn xóm tốt của huyện.

 

 

 

Năm 2017, cán bộ và nhân dân xã Vĩnh Giang tiếp tục thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu về các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng- an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 29 (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra. Cơ cấu kinh tế của xã có những thay đổi phù hợp với giai đoạn phát triển mới ở địa phương, như: Tỷ trọng nông nghiệp 45%, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 27% - thương mại, dịch vụ 28%. Nhiệm vụ trọng tâm là huy động nguồn nội lực và thu hút ngoại lực để tập trung hoàn thành nhanh, bền vững các tiêu chí nông thôn mới còn lại, phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017.

 

 Lê Nguyên Hồng

 

 

 

674 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 472
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 472
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78104841