TPP-11 gặp trở ngại trước đề xuất của New Zealand 

(Chinhphu.vn) – Một diễn biến chính trị gần đây đã phần nào lung lay tương lai của một Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà không có Mỹ (gọi là TPP-11).
TPP-11 gặp trở ngại trước đề xuất của New Zealand
Ngày 30/10, các trưởng đoàn đàm phán của 11 quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bắt đầu cuộc thảo luận kéo dài 3 ngày gần thủ đô Tokyo của Nhật Bản nhằm hướng tới việc đạt được một thỏa thuận vào tuần tới về việc thực thi TPP mà không có Mỹ. 

Trưởng đoàn đàm phán của 11 nước đã nhóm họp tại thành phố Urayasu, tỉnh Chiba nhằm nỗ lực đạt sự thống nhất xem điều khoản nào của TPP nên bị đình chỉ. Các bên hy vọng sẽ đưa ra một thoả thuận chung vào đầu tháng tới tại Việt Nam, bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Nhưng New Zealand, một trong những nước theo đuổi mạnh mẽ nhất của "TPP-11", đã khiến tất bất ngờ với những động thái gần đây.

Tân Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã đề xuất rằng Wellington nên đàm phán lại thỏa thuận này. Bà Ardern từng tuyên bố sẵn sàng rút New Zealand rút khỏi hiệp định TPP nếu 10 nước còn lại từ chối thương lượng lại về chính sách của Công đảng, trong đó cấm các nhà đầu tư nước ngoài mua nhà tại nước này. Lệnh cấm này có thể ảnh hưởng đến việc tự do hóa đầu tư mà các bên đã nhất trí trong khuôn khổ TPP. 

Đại sứ Thương mại Mike Petersen, người tiếp tục đại diện cho New Zealand trong các cuộc đàm phán TPP, đã trấn an các bên rằng ông sẽ cố gắng thuyết phục tân thủ tướng New Zealand thay đổi ý định. Nhưng nếu bà Ardern giữ nguyên lập trường muốn đàm phán lại, thì các bên sẽ khó đạt được một thỏa thuận.

TPP được ký kết tháng 2/2016, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu. Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP. Trước khi có sự thay đổi chính phủ, New Zealand cùng với Nhật Bản là những bên ủng hộ tích cực cho việc khôi phục thỏa thuận này sau khi Mỹ rút khỏi.

 

An Bình
431 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1158
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1158
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87153479