TP.HCM: Xác minh nhiều vụ lừa đảo qua mạng, chiếm đoạt 2.385 tỷ đồng 

Các đối tượng dùng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh cán bộ hải quan, thuế yêu cầu nộp tiền để nhận quà; hoặc hack tài khoản mạng xã hội rồi nhắn tin lừa chuyển tiền. Thành Chung (TTXVN/Vietnam+)
TP.HCM: Xác minh nhiều vụ lừa đảo qua mạng, chiếm đoạt 2.385 tỷ đồng

Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tính từ ngày 25/5/2021 đến ngày 24/5/2022, địa bàn xảy ra 364 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Công an thành phố đã điều tra khám phá 157 vụ, bắt giữ 106 đối tượng. Đến ngày 7/7, lực lượng chức năng đang xác minh 196 tin báo liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền chiếm đoạt khoảng 2.385 tỷ đồng.

Theo Cơ quan Công an, các phương thức thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là dùng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh nhân viên sân bay, cán bộ hải quan, thuế yêu cầu nộp tiền để nhận quà; lập tài khoản mạng xã hội hoặc chiếm quyền quản trị tài khoản mạng xã hội (hack) của người khác rồi nhắn tin lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền.

Các đối tượng còn lập trang web đăng tải các nội dung sai sự thật hoặc tạo tài khoản mạng xã hội rao bán các mặt hàng, sau đó lừa các bị hại chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt; giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện hăm dọa nạn nhân có liên quan tới một vụ án và yêu cầu chuyển tiền để kiểm tra…

Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã tiếp nhận và xử lý 1.236 tin báo liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố 122 vụ với 85 bị can, tạm đình chỉ 265 vụ, không khởi tố 275 vụ, đang xác minh 574 tin với số tiền chiếm đoạt khoảng 58 tỷ đồng.

Liên quan đến công tác tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mới đây Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có báo cáo sơ kết năm thứ 2 thực hiện Chỉ thị 21/CT-TTg gửi Bộ Công an.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục sơ hở, thiếu sót trong các hoạt động cấp, mở và sử dụng tài khoản ngân hàng; tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện các đối tượng sử dụng thông tin giả mạo hoặc mua của người khác để đăng ký, sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng thực hiện các hành vi trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm siết chặt việc đăng ký và sử dụng thuê bao số điện thoại di động; thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp buông lỏng quản lý việc đăng ký và sử dụng thuê bao điện thoại di động của các công ty viễn thông.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Công an Thành phố thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý tin báo của người dân, tổ chức về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đảm bảo nhanh chóng, đúng pháp luật.

Công an thành phố khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, kết luận điều tra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản để sớm đưa các bị can trong các vụ án ra xét xử “điểm,” tăng tính răn đe với loại đối tượng này./.

Thành Chung (TTXVN/Vietnam+)
226 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1816
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1816
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76445777