Trả lời phỏng vấn tờ Welt Am Sonntag của Đức số xuất bản ngày 26/5, ông Stoltenberg nói: “Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc chạy đua vũ trang mới và cũng không cần một cuộc chiến tranh Lạnh mới”.

 

Tuy nhiên, người đứng đầu NATO cũng khẳng định liên minh quân sự lớn nhất hành tinh này có thể tự trụ vững và theo đuổi một chính sách cụ thể, đáng tin cậy để răn đe kẻ thù tiềm năng trong một thế giới thiếu vắng vai trò của INF, ngay cả trước “sự hiện diện của một số lượng lớn các tên lửa Nga tại châu Âu”.

 

Ông Stoltenberg nhấn mạnh, NATO mong muốn INF được bảo toàn, song sẽ bảo đảm rằng, NATO có được các phương thức răn đe và phòng thủ hiệu quả, đáng tin cậy khi Hiệp ước ký kết năm 1987 này bị đình chỉ.

 

Tổng thư ký NATO tuyên bố liên minh quân sự này không lên kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân mới ở châu Âu ngay cả khi INF không còn được áp dụng, đồng thời một lần nữa cáo buộc Nga vi phạm INF và kêu gọi Moscow tiêu hủy tên lửa có tên gọi NATO là SSC-8 (theo tên gọi phân loại của Nga là tên lửa 9M729).

 

Ông Stoltenberg cũng cho rằng, Trung Quốc đang ngày càng trở nên lớn mạnh hơn về mặt quân sự. “Trung Quốc đang đầu tư ngày càng nhiều tiền vào các hoạt động phát triển vũ khí, gồm cả vũ khí hạt nhân. Một số nước thành viên NATO cũng tin vào tính hợp lý của việc Trung Quốc đóng vai trò trong hệ thống kiểm soát vũ khí mới” – Tổng thư ký NATO cho biết. Theo ông Stoltenberg thì bản thỏa thuận mới cần cân nhắc tới cả những rủi ro liên quan tới lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cùng những nguy cơ xuất phát từ không gian mạng.

 

Thông điệp trên được người đứng đầu NATO đưa ra chỉ ít lâu sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo rằng, “không một ai tại châu Âu” muốn chứng kiến sự hiện hữu trở lại của các tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại lục địa này.

 

Hiệp ước INF được Nga và Mỹ ký kết ngày 8/12/1987 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6/1988, quy định các bên liên quan không được sản xuất cũng như phóng thử hay triển khai các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo mặt đất có tầm bắn từ 500 - 1.000 km (tầm ngắn) và từ 1.000 - 5.500km (tầm trung). Đây được xem là một thành tựu ngoại giao nổi bật trong thời kỳ chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên bang Xô viết trước đây. Hiệp ước này cũng được đánh giá là giúp xóa bỏ “mối đe dọa hạt nhân” trong quan hệ giữa Nga và Mỹ - vốn luôn trong trạng thái dễ dàng leo thang căng thẳng.

 

Tuy nhiên, bản Hiệp ước này hiện đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi Mỹ cáo buộc Nga đã nhiều lần vi phạm INF. Moscow đã bác bỏ lập luận trên của Washington, đồng thời bày tỏ thái độ quan ngại sâu sắc trước mức vi phạm của bên thứ 2 đối với INF.

 

Ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo tuyên bố Washington chấm dứt tuân thủ các nghĩa vụ trong INF kể từ ngày 2/2. Thông báo của các nhà lãnh đạo Mỹ nêu rõ, nước này sẽ chính thức rút khỏi INF trong vòng 6 tháng tới (tức vào tháng 8/2019) trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ bản Hiệp ước này một cách “thực sự và có thể xác minh được”.

 

Ngay trong ngày 2/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra thông báo về việc Moscow ngừng tham gia INF, đồng thời chỉ thị cho các quan chức Nga hạn chế đàm phán với Mỹ về Hiệp ước này. Theo quan điểm của người đứng đầu Điện Kremlin thì Mỹ cần tỏ ra sẵn sàng cho một cuộc đối thoại bình đẳng và thực chất với Nga về INF. Ngày 4/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh đình chỉ sự tuân thủ của Moscow đối với INF.

Thu Lan (Theo TASS, teletrader.com)