Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi thúc đẩy chủ nghĩa đa phương 

(ĐCSVN) – Ngày 10/1, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi thúc đẩy chủ nghĩa đa phương theo một kiểu mới để giải quyết những thách thức toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh tính cần thiết của việc cắt giảm tình trạng bất bình đẳng và bất công.
Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi thúc đẩy chủ nghĩa đa phương

Trong bài phát biểu trực tuyến nhân kỷ niệm 75 năm ngày Đại hội đồng Liên hợp quốc tiến hành cuộc họp đầu tiên (10/1/1946-10/1/2021), ông Guterres dẫn số liệu thống kê cho biết có đến 97% số người tham gia cuộc khảo sát toàn cầu do Liên hợp quốc bảo trợ đã kêu gọi cải thiện mối quan hệ hợp tác toàn cầu để tìm kiếm những giải pháp đa phương nhằm giải quyết các thách thức hiện nay trên quy mô toàn cầu.

“Trong khi tiếp tục khẳng định tính cần thiết của hợp tác quốc tế, chúng ta phải mở rộng ý nghĩa của điều này... Trong thế giới được liên kết của chúng ta, chúng ta cần một chủ nghĩa đa phương mang tính hệ thống, để các tổ chức khu vực và toàn cầu có thể giao tiếp và cùng hành động hướng tới các mục tiêu chung. Và chúng ta cũng cần một chủ nghĩa đa phương bao trùm, dựa trên vai trò đại diện bình đẳng của phụ nữ, thu hút sự tham gia của giới trẻ, lĩnh vực kinh doanh, công nghệ, các thành phố, các khu vực, lĩnh vực khoa học và giới học thuật” – người đứng đầu Liên hợp quốc nói.

Bài phát biểu của ông Guterres cũng chỉ ra những thành tựu và nỗ lực còn dở dang của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Theo ông Guterres, Đại hội đồng Liên hợp quốc – diễn đàn các quốc gia thành viên tụ họp trong 75 năm qua để thảo luận những vấn đề quan trọng nhất trên thế giới, đã chứng kiến những thời khắc lịch sử. Công việc hàng ngày của Đại hội đồng Liên hợp quốc đóng vai trò to lớn trong việc hình thành và duy trì luật pháp trong nhiều lĩnh vực quan trọng, từ quyền con người và bảo vệ môi trường đến kiểm soát vũ khí và tội ác chiến tranh. Công việc của Đại hội đồng Liên hợp quốc còn giúp tăng cường sức khỏe toàn cầu, tăng tỷ lệ người biết đọc, biết viết cũng như mức sống của người dân, đồng thời thúc đẩy quyền con người và bình đẳng giới.

Trong lời phát biểu cùng ngày, ông Guterres cũng chỉ ra rằng, kể từ khi Liên hợp quốc thành lập năm 1945 từ đống tro tàn của Chiến tranh Thế giới thứ II, cho đến nay thế giới đã được hưởng một thời gian dài nhất trong lịch sử không xảy ra đối đầu quân sự giữa các cường quốc. Đó là một thành tựu to lớn không chỉ mang lại tự hào cho Liên hợp quốc mà còn đối với tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Liên hợp quốc thì ngoài việc tự hào về những thành tựu tập thể, thì chúng ta cũng cần nhận thức rõ về những tồn tại. Trong đó có sự ứng phó toàn cầu đối với tình trạng khẩn cấp khí hậu chưa thực sự thỏa đáng. Thế giới vừa trải qua một thập kỷ nóng nhất trong lịch sử nhân loại; lượng phát thải khí CO2 ở mức cao nhất từ trước đến nay; hỏa hoạn và lũ lụt, bão và lốc xoáy đang trở thành những hiện tượng bình thường mới; hệ sinh thái đang bị phá hủy. “Đây là một cuộc chiến trong thiên nhiên – một cuộc chiến không có người chiến thắng” – Tổng thư ký Liên hợp quốc nói.

Ngoài ra, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng chỉ ra những mối đe dọa còn hiện hữu khác, khi mà các cuộc chiến tranh thông thường đang gia tăng theo hướng cực đoan hơn và khó giải quyết; căng thẳng địa chính trị cũng leo thang; mối đe dọa phổ biến và đối đầu vũ khí hạt nhân đã quay trở lại, đi kèm theo đó là sự bất bình đẳng và nạn đói đang gia tăng. Đặc biệt, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay đã phơi bày điểm yếu của thế giới.

Để giải quyết được vấn đề này, ông Guterres cho rằng thế giới cần phải giảm tình trạng bất bình đẳng và bất công, đồng thời tăng cường mối quan hệ tương trợ và tin cậy lẫn nhau. Trong đó, việc đầu tư cho quá trình phục hồi sau COVID-19 cần đặt các nền kinh tế và các xã hội vào các nền tảng vững chắc hơn.

Theo quan điểm của ông Guterres, đại dịch COVID-19 là một thảm kịch đối với nhân loại, song cũng mang lại cho chúng ta cơ hội. Một kế hoạch chi tiết đã tồn tại, đó là Thỏa thuận Paris và Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Việc cần làm hiện nay là chúng ta cần tham vọng hơn hữa và hành động nhiều hơn nữa để giải quyết các vấn đề đã nêu ra – bắt đầu với tình trạng khẩn cấp về khí hậu./.

 
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)
210 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 771
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 771
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87063182