Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi G20 hợp tác trong vấn đề khí hậu 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định việc G20 hành động hay không hành động sẽ quyết định liệu người dân có thể sinh sống hòa bình và bền vững trên Trái Đất hay không.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi G20 hợp tác trong vấn đề khí hậu

Ngày 14/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các thành viên trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hợp tác làm chậm lại quá trình ấm lên trên toàn cầu.

Phát biểu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia, Tổng Thư ký Guterres nhận định thế giới đang đối mặt với thảm họa khí hậu và các hành động hiện nay đang góp phần đẩy nhanh quá trình này.

Do đó, ông đề xuất thiết lập một "hiệp ước đoàn kết khí hậu," trong đó các nước phát triển sẽ tăng cường nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở ngưỡng 1,5 độ C, đồng thời hỗ trợ tài chính và kỹ thuật nhằm đẩy nhanh việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo tại các nền kinh tế mới nổi.

[Các dự án mới khai thác khí đốt đe dọa mục tiêu chống biến đổi khí hậu]  

Tổng Thư ký khẳng định việc G20 hành động hay không hành động sẽ quyết định liệu người dân có thể sinh sống hòa bình và bền vững trên Trái Đất hay không.

Cũng đề cập đến Hội nghị thượng đỉnh G20, trong phát biểu tại họp báo chung với Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long tại Singapore, ngày 14/11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận định lãnh đạo các nền kinh tế lớn của G20 sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được nhất trí về các vấn đề toàn cầu và xung đột tại Ukraine.

Cùng chung quan điểm này, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng hội nghị G20 sẽ không đạt được đột phá về các vấn đề chủ chốt, song bày tỏ hy vọng các bên sẽ đạt được đồng thuận về hướng đi chung cho phần lớn các vấn đề.

Theo nhà lãnh đạo Singapore, các vấn đề khó khăn tại hội nghị bao gồm biến đổi khí hậu, kinh tế toàn cầu, an ninh và căng thẳng Nga-Ukraine.

Về phía Indonesia, nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Joko Widodo ngày 14/11 đã đề nghị Ủy ban châu Âu (EC), Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) hỗ trợ để Hội nghị thượng đỉnh G20 có thể đạt được kết quả cụ thể thông qua việc ra tuyên bố chung.

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo thừa nhận nhiệm kỳ Chủ tịch G20 năm 2022 của quốc gia vạn đảo này là thời khắc khó khăn nhất trong lịch sử các Hội nghị thượng đỉnh G20.

Trao đổi với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Joko Widodo cho rằng hội nghị diễn ra trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng trên thế giới xảy ra đồng thời, diễn biến phức tạp và khó lường.

Ông tin rằng giải pháp duy nhất để đối phó với các thách thức toàn cầu là cùng nhau hợp tác.

Trước đó, Tổng thống Joko Widodo đã có các cuộc gặp song phương với hầu hết lãnh đạo các nước và đại diện các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra ngày 15-16/11./.

Đặng Ánh-Đào Trang (TTXVN/Vietnam+)

 

145 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1000
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1000
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87090054