Trong một tuyên bố, người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết ông Guterres "quan ngại sâu sắc" về việc bùng nổ các cuộc đụng độ trên bộ và không kích tại thủ đô Sanaa và nhiều khu vực khác ở Yemen những ngày qua.
Các vụ tấn công này đã gây ra cái chết của hàng chục người và làm bị thương hàng trăm người khác trong đó có cả thường dân.
Theo người phát ngôn Liên hợp quốc, các vụ giao tranh đã ngăn cản xe cứu thương và các đội y tế tiếp cận người bị thương, khiến người dân không dám ra ngoài để mua lương thực và nhu yếu phẩm. Hoạt động cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc cũng bị tê liệt trong bối cảnh hàng triệu người Yemen phải sống dựa vào sự hỗ trợ từ bên ngoài để tồn tại.
Ông Dujarric nhấn mạnh rằng đợt bùng phát bạo lực mới này diễn ra vào thời điểm tồi tệ đối với người dân Yemen vốn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, đồng thời nói thêm rằng liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu vẫn chưa dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa đối với Yemen theo như đề nghị của Liên hợp quốc.
[LHQ cảnh báo hậu quả nhân đạo "không thể tưởng tượng được" ở Yemen]
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres kêu gọi tất cả các bên tham gia cuộc xung đột tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo quốc tế.
Theo ông, "điều quan trọng nhất là dân thường phải được bảo vệ, người bị thương được tiếp cận chăm sóc y tế và tất cả các bên phải tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhân đạo" cứu giúp dân thường.
Tổng Thư ký Guterres cũng tái khẳng định không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột Yemen, kêu gọi tất cả các bên tham chiến tham gia tích cực cùng với Liên hợp quốc khôi phục các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận chính trị giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay.
Liên minh phe nổi dậy kiểm soát thủ đô Sanaa trong hơn ba năm qua đứng trước nguy cơ tan vỡ sau khi nổ ra giao tranh giữa hai phe phái bao gồm phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shiite và lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh, khiến ít nhất 60 người chết và bị thương trong ở cả hai bên kể từ ngày 29/11.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Saleh kiểm soát phần lớn lãnh thổ, trong đó có thủ đô Sanaa.
Tháng 3/2015, liên minh Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Mansour Hadi.
Các vòng đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ giữa các bên đối địch tại Yemen từ trước tới nay chưa thể giúp chấm dứt xung đột tại nước này.
Chiến tranh và xung đột kéo dài hơn 2 năm qua tại Yemen đã khiến khoảng 12.000 người thiệt mạng, trong đó đa số là dân thường, gần 40.000 người bị thương, 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và 2/3 dân số nước này cần cứu trợ nhân đạo./.