Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh, hiện mọi người trên thế giới đang tiếp tục bày tỏ sự phẫn nộ trước nạn tham nhũng đã bám rễ sâu vào đời sống xã hội. Thực tế này đòi hỏi các bộ máy chính trị phải hoạt động một cách minh bạch và có trách nhiệm.
“Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới cần lắng nghe, khích lệ sự chính trực như là một nét văn hóa, và trao quyền cho công dân thực hiện bổn phận của mình… Tất cả chúng ta cần hành động nhiều hơn nữa để đấu tranh chống tham nhũng, tăng cường năng lực điều hành và xây dựng nên các thể chế có thể bảo đảm sự tin cậy và mang lại tiến bộ cho tất cả” – ông Guterres nói.
Theo ông Guterres, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc phải ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng. Trong đó, việc tăng cường năng lực của các Ủy ban quốc gia về phòng, chống tham nhũng là điều đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Các chính phủ cũng có thể tăng cường các nỗ lực chống tham nhũng thông qua việc bảo đảm một bộ máy tư pháp độc lập, một xã hội dân sự vững mạnh, tự do báo chí và bảo vệ hiệu quả những người lên tiếng vạch trần các vụ tham nhũng. Cộng đồng quốc tế có thể góp phần bổ sung cho những nỗ lực này thông qua việc hành động hiệu quả hơn nhằm ngăn chặn các hành vi rửa tiền, trốn thuế cũng như chặn đứng các dòng tiền bất hợp pháp có nguy cơ làm suy kiệt nguồn lực cần thiết của các nước và tiếp tay cho những hành vi tham nhũng tiếp theo.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng, nạn tham nhũng được liên kết với nhiều hình thức bất ổn và bạo lực, trong đó gồm các hành vi buôn bán bất hợp pháp vũ khí, ma túy và con người. Trong khi đó, sợi dây kết nối giữa tham nhũng và chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực cũng đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các tài liệu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đại hội đồng Liên hợp quốc. Các tài sản được chiếm dụng từ các hành vi tham nhũng có thể được sử dụng để tiếp tay cho các tội ác, trong đó có các hành vi khủng bố và cực đoan bạo lực.
Các cuộc khảo sát do Văn phòng Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc cho thấy, các hành vi hối lộ quan chức thường có nhiều khả năng diễn ra tại các khu vực bị tác động bởi xung đột. Các hành vi tham nhũng tại thời điểm diễn ra xung đột có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng bởi tác động tới hầu hết nhu cầu cơ bản của con người và làm gia tăng đói nghèo. Chính vì thế, người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng, cuộc đấu tranh chống nạn tham nhũng và giải quyết những thách thức trong năng lực điều hành – vốn là phần gốc rễ của nhiều cuộc xung đột, phải trở thành một bộ phận cấu thành nên các phương thức tiếp cận mang tính chất phòng ngừa.
Cũng trong bài phát biểu cùng ngày, ông Guterres đã nhấn mạnh tầm quan trọng các nỗ lực thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Trước khi Công ước này được thông qua từ 15 năm trước, cộng đồng thế giới không hề có một công cụ nào trong tay để tội phạm hóa các hành vi tham nhũng hoặc thu hồi các tài sản bị đánh cắp. Cho tới thời điểm hiện tại, đã có 186 nước tham gia ký kết Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và khái niệm về tội phạm tham nhũng đã xuất hiện trong từ điển của hầu hết các nước trên thế giới.
Ông Guterres cũng đưa ra nhận định rằng tệ nạn tham nhũng đang hiện hữu ở mọi quốc gia, từ giàu tới nghèo, từ Bắc tới Nam, từ các nước đã và đang phát triển, với các số liệu thống kê gây quan ngại. Người đứng đầu Liên hợp quốc viện dẫn số liệu thống kê của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, các hành vi tham nhũng đã gây tổn thất ít nhất là 2,6 nghìn tỷ USD, tương đương với 5% GDP toàn cầu. Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) thì trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp và các cá nhân phải bỏ ra khoảng 1 nghìn tỷ USD cho các hành vi hối lộ.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley thừa nhận, trong các phiên thảo luận về xung đột của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ít khi các vấn đề liên quan tới cách thức mà nạn tham nhũng có thể làm gia tăng bất ổn, bạo lực và hành vi phạm tội được đưa vào chương trình nghị sự.
Đại diện ngoại giao Mỹ - nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 9/2018 nhấn mạnh: “Chúng ta đã đổ hàng tỷ USD để nỗ lực giải quyết những vấn đề này. Chúng ta đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình, đưa ra những sứ mệnh hỗ trợ trên quy mô rộng, cử chuyên gia tới mọi khu vực trên thế giới, song chúng ta lại chưa nhận ra một vấn đề ở ngay trước mắt, đó là nạn tham nhũng… Tuy nhiên, thay vì đi tìm nguyên nhân của vấn đề, thì chúng ta lại thường bỏ qua nạn tham nhũng. Chúng ta lo sợ rằng, giải quyết nạn tham nhũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các chính phủ và chấm dứt các quan hệ hợp tác”.
Theo nhận định của đại diện ngoại giao Mỹ thì tại một số nước, nạn tham nhũng không chỉ đơn giản là một phần của hệ thống mà còn là cả một hệ thống. Thậm chí nạn tham nhũng còn được xem như “một cái giá phải trả cho những hoạt động kinh doanh”. Từ đó, bà Haley kêu gọi các nước cần cân nhắc nghiêm túc tới trách nhiệm của mình với tư cách là một thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đưa ra một tầm nhìn xa hơn. “Nếu như chúng ta xem nhẹ tham nhũng vào thời điểm hiện tại, thì cuối cùng, bản thân chúng ta sẽ phải đối mặt với những hậu quả mà vấn nạn này gây ra trong tương lai” – bà Haley cảnh báo./.
Thu Lan (Theo Xinhua, The Hindu.com)