Tổng thư ký LHQ kêu gọi chấm dứt “cơn ác mộng nhân đạo” tại Syria 

(ĐCSVN) – Phát biểu trước các phóng viên tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), ngày 21/2, người đứng đầu tổ chức này - ông Antonio Guterres đã phát đi thông điệp rằng “cơn ác mộng nhân đạo do con người gây ra đối với người dân Syria” cần phải chấm dứt ngay lập tức.
Tổng thư ký LHQ kêu gọi chấm dứt “cơn ác mộng nhân đạo” tại Syria

“Cơn ác mộng nhân đạo do con người gây ra này đối với những người dân vốn đã từ lâu phải gánh chịu thống khổ tại Syria phải chấm dứt. Điều này phải chấm dứt ngay bây giờ… Tất cả chúng ta đều nhận thức về một cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở khu vực Tây Bắc Syria và những hệ lụy khủng khiếp về nhân đạo đang đặt lên vai thường dân” – ông Guterres nói.

Theo số liệu thống kê của người đứng đầu Liên hợp quốc, hiện có khoảng 900.000 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em đang phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn khỏi cuộc tấn công mới đây nhất tại Syria trong những tình huống thê thảm nhất... Chiến sự đang lan rộng tới những khu vực tập trung đông dân cư, gồm cả những người phải chạy đi lánh nạn. Và điều này đang khiến sinh mạng của nhiều người đối mặt với nguy cơ bị “bóp nghẹt”.

Cũng trong lời phát biểu cùng ngày, ông Guterres đã đề cập tới một thực tế đáng quan ngại rằng, luật nhân đạo quốc tế và những nỗ lực bảo vệ dân thường đang bị bỏ qua một cách có hệ thống tại Syria. “Không gian cho sự an toàn càng bị thu hẹp, thì nỗi thống khổ mà con người phải chịu đựng lại càng trở nên tồi tệ hơn” – ông Guterres nói

Theo ước tính của người đứng đầu Liên hợp quốc thì hiện đang có khoảng 2,8 triệu người tại miền Đông Bắc Syria đang cần tới các hoạt động viện trợ nhân đạo. Ông nói: “Mới hồi đầu tháng này, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cần tiếp cận tới 800.000 người phải rời bỏ nhà cửa do bạo lực tiếp diễn… Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại thì con số trên đã lớn hơn nhiều”.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết hiện tổ chức này đang xem xét lại các kế hoạch và kêu gọi viện trợ khẩn cấp thêm 500 triệu USD để đáp ứng nhu cầu của những người mới phải rời bỏ nhà cửa tại Syria trong vòng 6 tháng tới. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý tới một thực tế rằng, không chỉ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, những diễn biến trên thực địa tại Syria đang khiến cho vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ.

Đề cập tới tình hình tại vùng hạ nhiệt căng thẳng Idlib, ông Guterres cho biết, đây là khu vực được hình thành vào năm 2017 và là một chủ thể được đề cập tới trong Bản ghi nhớ Sochi mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết hồi tháng 9/2018. Tuy nhiên, từ cuối tháng 2/2019, văn kiện này đã có dấu hiệu bị lu mờ, ngay cả khi đã có một vài lệnh gia hạn lệnh ngừng bắn được đưa ra, gần đây nhất là vào ngày 12/1/2020.

“Trong gần 1 năm qua, chúng ta đã được chứng kiến một loạt các chiến dịch tấn công trên bộ do chính phủ Syria tiến hành dưới sự hậu thuẫn của sức mạnh không quân Nga. Ngay trong tháng này, các cuộc đụng độ gây thương vong gữa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Syria cũng nhiều lần tái diễn… Tất cả những diễn biến trên cho thấy, không chỉ tình hình nhân đạo đang diễn biến theo chiều hướng xấu, chúng ta hiện giờ còn đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát một cuộc đối đầu nghiêm trọng, với những hậu quả ngày càng khó đoán định” – người đứng đầu Liên hợp quốc cảnh báo.

Nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn của bạo lực và sự thống khổ tại Syria, ông Guterres bày tỏ: “Tôi đã nhiều lần nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn tại Idlib để chấm dứt thảm họa nhân đạo và tránh tình hình leo thang tới mức không thể kiểm soát”. Người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết, thông điệp này đã được ông phát đi một cách công khai và trực tiếp tới các nước có liên quan. Đây cũng là nội dung đã được Đặc phái viên và Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Tổng thư ký Liên hợp quốc đề cập tới trong các bài phát biểu vắn tắt trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gồm cả tại sự kiện mới diễn ra từ 2 ngày trước.

Theo ông Guterres thì thông điệp mà ông muốn phát đi rất rõ ràng, đó là không hề tồn tại một giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Syria mà giải pháp duy nhất vẫn là thông qua con đường chính trị.

 Binh sỹ Syria tại thị trấn Tal Toukan, ngoại ô tỉnh Idlib, ngày 5/2/2020. (Ảnh: Xinhua)

Trong những ngày gần đây, tình hình tại tỉnh Idlib thuộc miền Tây Bắc Syria đang “tăng nhiệt trở lại”, sau khi các lực lượng chính phủ Syria phát động chiến dịch tấn công trên diện rộng nhằm vào phe nổi dậy và giao tranh hỏa lực với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, gây nhiều thương vong cho các bên. Trong khi đó, Nga cũng đang tỏ rõ lập trường ủng hộ hành động quân sự của chính quyền Damascus, với lý do rằng các mối đe dọa khủng bố đang trỗi dậy tại Idlib.

Những cuộc đụng độ chưa đi tới hồi kết giữa quân đội chính phủ Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib – một “điểm nóng” trong cuộc xung đột từ năm 2011 tại quốc gia Trung Đông này, không chỉ đang có nguy cơ phá vỡ mối quan hệ giữa Moscow và Ankara mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác. Trong đó không loại trừ kịch bản các cuộc đụng độ sẽ leo thang thành chiến tranh toàn diện và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lớn tại Idlib-vốn đang là nơi sinh sống của khoảng 3 triệu người dân Syria.

Mới đây, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã kêu gọi sự hậu thuẫn của các đồng minh phương Tây, trong đó gồm cả việc triển khai hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ tại khu vực biên giới. Điều này cho thấy tình hình chiến sự tại Syria sẽ còn tiếp diễn phức tạp trong những ngày tới và việc xuất hiện vai trò can dự của nhiều bên sẽ càng khiến cho vấn đề trở nên khó đoán định./.

 

 
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)
233 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 924
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 924
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87200207