Ngày 10/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo về tình hình tài chính của Liên hợp quốc năm nay do nguồn thu ít hơn và điều này có thể ảnh hưởng tới việc triển khai chương trình hoạt động của tổ chức trong năm 2024.
Tính đến cuối quý 3, Liên hợp quốc chỉ thu được 64% phí đóng góp từ các nước thành viên, so với mức 71,9 % và 82,7% lần lượt trong cùng kỳ năm 2022 và 2021.
Phát biểu trước Ủy ban thứ 5 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề ngân sách), ông Guterres cho rằng việc các nước đóng góp muộn là xu hướng đáng lo ngại, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Để đảm bảo cân bằng giữa dòng tiền sử dụng và nguồn dự phòng, Liên hợp quốc đã áp dụng các biện pháp quản lý tiền mặt tạm thời vào giữa tháng 7 và hy vọng có thể chấm dứt các biện pháp này vào cuối tháng 9. Tuy nhiên, Liên hợp quốc đã phải bổ sung các biện pháp.
[Thế giới cần thêm 360 tỷ USD mỗi năm để đạt bình đẳng giới năm 2030]
Cũng như trước đây, giám đốc các chương trình phải cố gắng giảm thiểu tác động tiêu cực đến tiến độ triển khai các hoạt động. Tuy nhiên, các biện pháp tiết kiệm ngân sách kéo dài, bao gồm việc tạm dừng thuê nhân viên, sẽ ảnh hưởng đến một số nhiệm vụ.
Theo Tổng Thư ký Guterres, việc triển khai chương trình hoạt động của Liên hợp quốc năm 2024 cũng sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể nếu ngân sách tiền mặt không được cải thiện vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Guterres bày tỏ cám ơn 137 nước thành viên đã hoàn thành nghĩa vụ đóng góp, đồng thời kêu gọi các quốc gia còn lại hoàn thành nghĩa vụ. Ông đã đề nghị khoản ngân sách 3,3 tỷ USD cho chương trình hoạt động năm 2024 của Liên hợp quốc, tương tự ngân sách năm 2023 nhưng thấp hơn ngân sách năm 2019.
Từ nay đến cuối năm, các quốc gia thành viên sẽ đàm phán về ngân sách cho chương trình hoạt động năm 2024 trước khi Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua./.
Minh Anh (TTXVN/Vietnam+)