Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ, ngày 31/8, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã ký sắc lệnh ân xá cho hơn 100 nhân vật đối lập, trong đó bao gồm cả các nghị sỹ và công sự của thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, nhằm mục đích thúc đẩy sự hòa hợp dân tộc, nối lại đối thoại để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc tại quốc gia Nam Mỹ này.
Thông báo trên các phương tiện truyền thông nhà nước, Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Truyền thông Jorge Rodriguez cho biết, quyết định trên sẽ không đặt điều kiện buộc những người được hưởng lệnh ân xá phải tham gia vào cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra vào đầu tháng 12 tới vì đó là quyết định riêng của mỗi cá nhân.
Trong số 110 người được hưởng lệnh ân xá lần này có nhiều nhân vật đối lập có tiếng như Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Juan Pablo Guanipa, Chủ tịch đảng Hành động Quốc gia Henry Ramos Allub, các nghị sỹ Freddy Guevara, Mariela Magallares, Carlos Lozada, Jose Guerra.
Nhiều người trong số này hiện đang tị nạn ở nước ngoài và một số khác đã bị truy tố và bị tạm giam ở trong nước.
Tuy nhiên, hai nhân vật đáng chú ý nhất trong số các lãnh đạo đối lập không có tên trong danh sách được ân xá lần này là thủ lĩnh đảng Primero Justicia (Công lý Trước tiên) và từng 2 lần là ứng cử viên tổng thống Henrique Capriles, cũng như thủ lĩnh đảng Voluntad Popular (Ý chí Nhân dân) Leopoldo Lopez, hiện đang tị nạn trong Đại sứ quán Tây Ban Nha ở Caracas sau khi trốn khỏi nhà riêng trong thời gian bị quản thúc tại gia hồi cuối tháng 4/2019.
[Tòa án Venezuela đình chỉ hoạt động của ban lãnh đạo đảng đối lập]
Trong một diễn biến khác cùng ngày, đặc phái viên của Mỹ về các vấn đề Venezuela Elliott Abrams tuyên bố, chính phủ của Tổng thống Donald Trump mong muốn siết chặt các biện pháp trừng phạt ngành dầu khí của Venezuela trong thời gian tới đây khi nhiều khả năng sẽ bác bỏ việc gia hạn các trường hợp ngoại lệ cho phép một số công ty dầu khí mua dầu thô của quốc gia Nam Mỹ này.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Abrams cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đến nay là khá hiệu quả khi giảm thiểu được nguồn thu nhập của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro, song Mỹ tin rằng vẫn có thể làm cho các biện pháp này đạt hiệu quả hơn nữa và vì vậy trong thời gian tới Washington sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp mới.
Mỹ bắt đầu gia tăng các hành động trừng phạt tập đoàn dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA, cũng như các đối tác nước ngoài và bạn hàng của họ từ năm 2019 nhằm gây sức ép buộc Tổng thống Maduro phải rời bỏ quyền lực.
Các biện pháp trừng phạt khiến cho sản lượng xuất khẩu dầu của PDVSA liên tục lao dốc trong những năm vừa qua và đến nay tập đoàn này chỉ còn xuất khẩu dưới 400.000 thùng/ngày./.
Hoài Nam (TTXVN/Vietnam+)