Ngày 11/10, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đánh giá nền kinh tế Nga đang trải qua giai đoạn chuyển đổi cơ cấu, hệ thống nhiên liệu và năng lượng của nước này cũng đang có những thay đổi sâu sắc, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực từ khai thác và xử lý các nguồn năng lượng, dịch vụ và hậu cần, cung như hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Quốc tế “Tuần Năng lượng Nga” lần thứ 6 (REW 2023) diễn ra ở Trung tâm Triển lãm Manezh của thủ đô Moskva, Tổng thống Putin đã đề cập đến 4 yếu tố chuyển đổi chính, có tính đến các yếu tố bên ngoài, và là một phần của chiến lược dài hạn, có chủ quyền của Liên bang Nga.
Trước tiên, ưu tiên cơ bản của Nga là đảm bảo thị trường nội địa và cung cấp đủ nguồn nhiên liệu và năng lượng trong nước.
Nga sẽ liên tục làm việc để phát triển thị trường của mình và kèm theo đó là “cơ hội rất lớn.”
[Bộ Năng lượng Nga sẽ thực hiện các biện pháp để hạn chế giảm giá dầu]
Liên bang Nga đã triển khai một số dự án chiến lược để phát triển hệ thống vận chuyển khí đốt, được thiết kế để tăng khả năng cung cấp khí đốt tự nhiên cho các doanh nghiệp, thành phố và thị trấn. Đó là kế hoạch hợp nhất các hệ thống chuyển tải khí của miền Tây với miền Đông nước Nga.
Nhiệm vụ mang tính hệ thống và chiến lược thứ hai của tổ hợp nhiên liệu và năng lượng Nga là tạo ra giá trị gia tăng tối đa và phát triển chế biến sâu dầu khí.
Hướng chuyển đổi cấu trúc thứ ba của tổ hợp nhiên liệu và năng lượng Nga là tiến tới tự lực về công nghệ, nhân sự và tài chính thông qua việc tăng mạnh khối lượng và tỷ trọng sản xuất thiết bị ở trong nước, đặc biệt là những thiết bị có vai trò cốt lõi, đưa việc đào tạo nhân lực có trình độ lên một tầm cao mới và hình thành cơ chế tài trợ cho các dự án đầu tư trong nước.
Tổng thống Putin đề xuất đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ hệ thống tiêu chuẩn và chứng nhận nước ngoài trong ngành dầu khí và hóa dầu sang hệ thống quốc gia để kích thích thay thế nhập khẩu trong ngành năng lượng.
Ngoài ra, theo ông Putin, các doanh nghiệp trong tổ hợp nhiên liệu và năng lượng của Nga đã tích cực tham gia vào việc phát triển các giải pháp kỹ thuật số và phần mềm của nước này.
Hướng chuyển đổi thứ tư là chuyển đổi các luồng xuất khẩu năng lượng do các nước châu Âu đang hướng tới việc hoàn toàn từ bỏ sử dụng nguồn năng lượng của Nga.
Tổng thống Putin cho biết tác động của việc từ bỏ sử dụng nguồn năng lượng của Nga là tình trạng nền kinh tế châu Âu hầu như không tăng trưởng trong khi hệ thống nhiên liệu và năng lượng của Liên bang Nga vẫn hoạt động ổn định.
Tại sự kiện trên, ông Putin cũng nêu bật vai trò của ngành điện hạt nhân Nga. Ông cho biết hiện ngành điện hạt nhân đang cung cấp khoảng 19,7% tổng lượng điện trên toàn quốc và năm 2022 các nhà máy điện hạt nhân của Liên bang Nga đã lập kỷ lục về sản xuất điện.
Tổng thống Putin cho rằng kỹ thuật xây dựng và bảo trì các cơ sở điện hạt nhân của Nga không chỉ mạnh mà hầu như không có đối thủ cạnh tranh trên thế giới.
Các chuyên gia của Tập đoàn Hạt nhân Rosatom đang đồng thời xây dựng 22 tổ máy điện hạt nhân ở nước ngoài, chiếm khoảng 80% thị trường toàn cầu và Nhà máy Điện hạt nhân Akkuyu ở Thổ Nhĩ Kỳ là dự án nước ngoài đầu tiên mà các chuyên gia Nga thực hiện toàn bộ chu trình từ thiết kế đến khi ngừng hoạt động.
Trong khi đó, việc nạp nhiên liệu đã được thực hiện trong tuần trước tại Nhà máy Điện hạt nhân Rooppur ở Bangladesh.
Tổ máy thứ 4 của Nhà máy Điện hạt nhân El-Dabaa ở Ai Cập đang về đích trước tiến độ.
Theo ông Putin, cách tiếp cận mang tính hệ thống và đồng bộ này là một trong những lợi thế cạnh tranh chính của Rosatom, chưa kể các tiêu chuẩn cao truyền thống về an toàn và độ tin cậy.
Tổng thống Putin lưu ý rằng cả ở giai đoạn xây dựng và trong quá trình bảo trì các nhà máy điện hạt nhân, Nga hoàn toàn độc lập về công nghệ.
Đồng thời, Liên bang Nga cũng không phản đối sự tham gia của các công ty từ nước thứ ba vào việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân theo thiết kế của Nga.
Ngày 11/10, Diễn đàn Quốc tế “Tuần Năng lượng Nga” (REW 2023) đã khai mạc tại Trung tâm Triển lãm Manezh ở thủ đô Moskva và sẽ kéo dài đến ngày 13/10.
Sự kiện này có sự tham dự của 4.000 đại biểu từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Iraq Mohammed al-Sudani, các đại diện các nước Saudi Arabia, Venezuela, Hungary, Bahrain...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cũng tham dự sự kiện này.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, với chủ đề “Thực tế Mới của Năng lượng Toàn cầu: Kiến tạo Tương lai,” chương trình kinh doanh của Diễn đàn bao gồm hơn 30 sự kiện, được chia thành các khối: “Chương trình nghị sự quốc tế,” “Phát triển bền vững và khí hậu,” “Phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số” và “Phát triển các ngành nhiên liệu và năng lượng.”
Tại các sự kiện, những người tham gia thảo luận về phát triển năng lượng trong bối cảnh biển đổi khí hậu, số hóa, phát triển các lĩnh vực nhiên liệu-năng lượng...
Trang web chính thức của Tổng thống Liên bang Nga đã đăng lời chào mừng những người tham dự, ban tổ chức và khách mời REW 2023, trong đó khẳng định “Tuần lễ Năng lượng Nga” đã trở thành diễn đàn quốc tế để thảo luận các vấn đề thời sự liên quan đến ngành năng lượng và nhiên liệu.
Sự kiện là nơi người đứng đầu các doanh nghiệp và viện khoa học, các chính trị gia và chuyên gia từ Nga và các nước đánh giá xu hướng và triển vọng phát triển tổ hợp nhiên liệu và năng lượng, trao đổi quan điểm về những thách thức công nghệ mà ngành này phải đối mặt, xem xét các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Trong lời chào mừng, Tổng thống Putin cũng bày tỏ tin tưởng các khuyến nghị được đưa ra tại REW 2023 và các thỏa thuận ký kết bên lề sẽ giúp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chiến lược này và xây dựng tương lai thịnh vượng cho các nước và người dân./.
Duy Trinh (TTXVN/Vietnam+)