Tổng thống Pháp và tham vọng vực dậy châu Âu 

(Chinhphu.vn) - Trong bài diễn văn được thông báo từ nhiều tháng qua và rất được chờ đợi không chỉ tại nước Pháp, người đứng đầu Điện Elysee đã đưa ra một loạt các đề xuất cải cách được đánh giá là rất táo bạo và tham vọng, với mục tiêu là thay đổi toàn diện Liên minh châu Âu (EU) trong 10 năm tới.
Tổng thống Pháp và tham vọng vực dậy châu Âu
Ngày 26/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có bài phát biểu về tầm nhìn đối với tương lai châu Âu, bao gồm các đề xuất nhằm "cải cách sâu rộng" EU cũng như thúc đẩy đoàn kết và hợp tác nội khối. 

Trong bài phát biểu tại Đại học Sorbonne ở thủ đô Paris, Tổng thống Macron cho rằng EU đang "quá yếu, chậm chạp và thiếu hiệu quả" song nhấn mạnh duy trì một châu Âu thống nhất và đoàn kết là cách duy nhất để các nước khu vực tham gia giải quyết hiệu quả những thách thức lớn của thời hiện đại trên trường quốc tế. 

Về quốc phòng và an ninh, ông Macron muốn EU có một ngân sách quốc phòng riêng, hình thành một học thuyết quân sự riêng và thành lập một lực lượng can thiệp riêng, để sẵn sàng phản ứng trước mọi mối đe dọa về an ninh trong khu vực.

Ngoài ra, khối này còn phải có một học viện riêng để đào tạo và điều phối các hoạt động tình báo. Để đối phó với các mối đe dọa khủng bố, ông Macron đề xuất lập ra một Viện Kiểm sát châu Âu chuyên xét xử các tội phạm dạng này. 

Về kinh tế, nhà lãnh đạo Pháp nhận định Eurozone cần có ngân sách riêng và một bộ trưởng tài chính để cung cấp và quản lý tài chính cho các hoạt động đầu tư chung, bảo đảm ổn định trước những chấn động kinh tế. 

Ông cũng cho rằng vấn đề quan trọng nhất đối với EU hiện này là giảm tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ hiện đang ở mức cao 20%. Ông Macron cũng đề xuất châu Âu có một mức thuế doanh nghiệp chung vào năm 2020 và những thành viên từ chối áp dụng cơ chế này sẽ bị cắt hỗ trợ từ Brussels. 

Trong lĩnh vực thể chế, ông Macron công khai tuyên bố ủng hộ quan điểm “Một châu Âu, nhiều tốc độ”, tức là chia 27 thành viên EU thành các nhóm khác nhau, tuỳ theo trình độ phát triển và cam kết hội nhập vào khối.

Đây vốn là một chủ đề gây tranh cãi và chia rẽ mạnh mẽ giữa các thành viên Tây Âu và Đông Âu, nhưng Tổng thống Pháp tuyên bố, “việc châu Âu nhiều tốc độ đang là một hiện thực và không có gì phải sợ khi nói thẳng điều đó ra”.

Ông còn gợi ý Anh quay trở lại liên minh trong thời gian tới. Ông nói: "Trong vài năm tới, nếu muốn, Anh có thể lấy lại được vị trí của mình trong liên minh đã được cải tổ, đó là lý do tại sao tôi không đề cập đến Brexit trong bài phát biểu của mình".

Về vấn đề khủng hoảng người di cư, ông Macron đề xuất lập cảnh sát biên phòng của EU để kiểm soát làn sóng tị nạn. Ngoài ra, ông Macron cũng đề xuất thiết lập cơ sở dữ liệu tổng hợp thông tin sinh trắc học về tất cả người nhập cư và một chương trình đào tạo nghề cho người tị nạn châu Âu. 

Tuyên bố khi đưa ra các đề xuất cải cách được đánh giá là cực kỳ tham vọng này, Tổng thống Pháp nhận định hiện châu Âu đang phải đối mặt với các thách thức kinh tế và địa chính trị to lớn và “châu Âu không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải thay đổi nếu muốn tồn tại trước sức mạnh của Mỹ và Trung Quốc trong các thập kỷ tới”.

Ông Macron cũng nhấn mạnh, tất cả các cải cách này đều không thể thành công nếu không có sự hợp tác Pháp-Đức và quan hệ giữa hai nước này sẽ luôn phải là đầu tàu, mang tính tiên phong nhằm vực dậy châu Âu.

Các đề xuất của Tổng thống Pháp dự kiến sẽ là một nội dung chính của Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước thành viên EU diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/10 tới tại Estonia, bên cạnh các vấn đề như Brexit và cuộc bầu cử Quốc hội Đức.

Dũng cảm hay không thích hợp?

Bài phát biểu của ông Macron nhận được sự hoan nghênh từ Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker ca ngợi bài diễn văn này"mang đậm chất châu Âu", đồng thời nhấn mạnh rằng châu Âu "cần sự dũng cảm". 

Chánh văn phòng Chủ tịch EC Martin Selmayr cho rằng châu Âu hiếm khi thấy một sự đồng nhất về quan điểm như những gì đang có giữa Tổng thống Pháp và Chủ tịch EC. Theo ông Selmayr, dù sắc thái có khác nhau nhưng đây quả thực là một sự đồng nhất mạnh mẽ. 

Trong khi đó, bài phát biểu nhận được những phản ứng trái chiều tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu lục này. 

Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm Sigmar Gabriel, một thành viên thuộc của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) về thứ 2 trong cuộc bầu cử tại Đức vừa qua, ca ngợi bài phát biểu của ông Macron, cho rằng ông Macron đã đưa ra đề xuất dũng cảm, mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên và một châu Âu ông Macron muốn là được cải cách, thúc đẩy và đoàn kết với sự giúp đỡ của Đức.   

Một thành viên cấp cao của đảng Dân chủ Tự do (FDP), một đối tác có thể liên minh với đảng của Thủ tướng Angela Merkel, ông Alexander Graf Lambsdorff, mặc dù hoan nghênh lời kêu gọi của ông Macron tăng cường hợp tác quân đội trong EU và nắm bắt nhiều cơ hội cho công nghệ số hóa, song bác bỏ lời kêu gọi thành lập một ngân sách chung cho Eurozone. Theo ông Lambsdorff, vấn đề là châu Âu không thiếu những quỹ công, mà thiếu một kế hoạch cải cách.   

Với các đề xuất "cải cách sâu rộng" EU cũng như thúc đẩy đoàn kết và hợp tác nội khối, ông Hans Michelbach - một nghị sĩ thuộc Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đồng minh với Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cảnh báo rằng những đề xuất này có thể biến EU thành một liên minh "chuyển đổi không có giới hạn". 

Theo ông Michelbach, sáng kiến của ông Macron là không thích hợp để đưa châu Âu tiến lên, mà thậm chí chỉ làm cho châu Âu thêm chia rẽ. Ông cáo buộc người đứng đầu Điện Elysee đang phá vỡ Hiệp ước tăng trưởng và ổn định của EU. Theo ông, sau những sai lầm rút ra từ cuộc khủng hoảng khu vực Eurozone, ông Macron không nên lấy bài học làm giảm thâm hụt ngân sách của Pháp áp dụng với các quy định tài chính EU. 

 

An Bình (tổng hợp)
353 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1463
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1463
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88998390