Ngày 9/2, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal thông báo Tổng thống Emmanuel Macron đã đề xuất xây dựng một lò phản ứng thế hệ 3 (EPR) với nguồn vốn đầu tư công 1,1 tỷ USD.
Ông Gabriel Attal nêu rõ Tổng thống Macron đã quyết định xây dựng một lò phản ứng EPR mới và đầu tư 1,1 tỷ USD xây dựng một lò phản ứng cỡ nhỏ.
Đây là một phần của kế hoạch đầu tư dài hạn "France 2030" nhằm đưa Pháp trở thành nước đi đầu trong sản xuất điện không phát thải carbon.
Trước đó, vào tháng 10/2021, ông Macron đã thông báo kế hoạch đầu tư 8 tỷ euro cho quá trình khử carbon và giảm phát thải khí nhà kính của nền kinh tế thông qua phát triển điện hạt nhân, hydro xanh, điện khí hóa trong công nghiệp vào năm 2030.
Theo cơ quan năng lượng quốc gia Pháp (EDF), nước này có 56 nhà máy điện hạt nhân, cung cấp 70% sản lượng điện toàn quốc.
Cũng liên quan tới mục tiêu giảm phát thải, mới đây tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu Carbon Tracker công bố một báo cáo chỉ ra các dự án xây dựng nhà máy điện khí thế hệ mới sẽ khiến Ba Lan không thể hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ba Lan dự kiến tăng gấp đôi công suất các nhà máy điện khí lên hơn 8 gigawatt (GW) vào năm 2030 thông qua kế hoạch xây dựng 5 nhà máy điện khí mới, dự kiến chính thức đưa vào vận hành từ năm 2023-2027 với công suất tổng cộng 3,7 tỷ GW, gấp đôi công suất hiện tại.
Theo tính toán của Carbon Tracker, nếu các nhà máy điện khí hoạt động với tuổi thọ 30 năm thì Ba Lan không thể đạt được mục tiêu của cả khối EU là đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Trong khi đó, để đạt được mục tiêu trên, Ba Lan sẽ phải đóng cửa các nhà máy điện khí sau khoảng 7 năm, tiêu tốn hơn 200 triệu USD của các nhà đầu tư.
[EC đánh giá khí đốt và điện hạt nhân là lĩnh vực đầu tư bền vững]
Ngoài ra, chính phủ Ba Lan sẽ phải trợ cấp khoảng 4,4 tỷ USD mới có thể đảm bảo các nhà máy điện khí mới mang lại hiệu quả kinh tế, cao hơn nhiều so với mức trung bình ở châu Âu.
Tổ chức trên cũng cảnh báo nguy cơ Ba Lan phải đối mặt với các bất ổn của thị trường khí đốt do giá khí đốt bán buôn ở mức cao kỷ lục trong 12 tháng qua và căng thẳng chính trị gia tăng tại châu Âu có thể khiến nguồn cung cấp khí đốt bị ảnh hưởng. Do đó, Carbon Tracker kêu gọi dừng triển khai các dự án này.
Ba Lan tuyên bố ủng hộ các mục tiêu khí hậu tham vọng của EU nhưng cho rằng các mục tiêu này phải “an toàn cho xã hội và có lợi cho nền kinh tế.”
Trong chiến lược phát triển năng lượng, Ba Lan khẳng định có thể phát triển khoảng 6 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030, tăng lên 11 GW vào năm 2040. Nước này hiện có công suất điện gió trên bờ đạt gần 7 GW và năng lượng mặt trời khoảng 6,7 GW./.
Phong Hà (TTXVN/Vietnam+)