Ngày 4/12, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã bác bỏ các kế hoạch của Israel nhằm chia tách, chiếm đóng, cô lập bất kỳ khu vực nào của Dải Gaza, vốn là một phần không thể thiếu của nhà nước Palestine.
Trong cuộc điện đàm với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Tổng thống Abbas đã nhấn mạnh tầm quan trọng của "việc ngay lập tức dừng các hành động gây hấn nhằm vào người dân Palestine tại Dải Gaza," không để dân thường trở thành mục tiêu của các vụ tấn công.
Ông Abbas cũng hối thúc việc tạo điều kiện cho hàng viện trợ bao gồm thực phẩm, thuốc men, nước uống, điện và nhiên liệu vào khu vực này ngay lập tức, cũng như cung cấp hàng cứu trợ cần thiết để các bệnh viện và cơ sở thiết yếu nối lại hoạt động và công tác điều trị.
Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel tuyên bố các hành động của IDF ở phía Nam Gaza cũng sẽ mạnh mẽ và hiệu quả không kém các hành động ở phía Bắc Gaza.
Bên cạnh đó, ông Abbas cũng hối thúc Mỹ hỗ trợ nhằm ngăn ngừa các vụ tấn công, phá hủy nhà cửa và đẩy người Palestine khỏi Bờ Tây, Jerusalem, và Thung lũng Jordan.
Tổng thống Abbas bày tỏ sẵn sàng hướng tới việc thực thi giải pháp hai nhà nước dựa trên các nghị quyết hợp pháp của quốc tế, bắt đầu từ việc Palestine trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc và việc tổ chức Hội nghị Hòa bình Quốc tế.
Cùng ngày, quân đội Israel (IDF) thông báo đã hoàn thành chiến dịch tấn công trên bộ ở phía Bắc Dải Gaza và đang chuẩn bị triển khai quân ở phía Nam dải đất này.
Phát biểu trên đài phát thanh quân đội địa phương, Tư lệnh Sư đoàn Tăng thiết giáp Israel - Tướng Hisham Ibrahim khẳng định: “Chúng tôi đang bắt đầu mở rộng hoạt động trên bộ sang các khu vực khác của Dải Gaza."
Trong khi đó, hãng tin AFP dẫn lời các nhân chứng cùng ngày cho biết hàng chục chiếc xe tăng của Israel đã tiến vào khu vực phía Nam Dải Gaza, gần thành phố Khan Yunis, bên cạnh các xe bọc thép chở quân và máy ủi.
Phát biểu trước báo giới, Người phát ngôn của quân đội Israel Jonathan Conricus thừa nhận tình hình hiện nay ở Gaza là khốc liệt, song nhấn mạnh lực lượng này không tìm cách buộc ai phải di dời, hay chuyển đi vĩnh viễn.
Theo người phát ngôn, quân đội Israel đã yêu cầu dân thường sơ tán khỏi chiến trường và thiết lập một khu vực nhân đạo bên trong Dải Gaza - vùng lãnh thổ ven biển có tên gọi Al-Mawasi.
Ông Conricus nhấn mạnh Israel hiểu rằng với sự hạn chế về không gian và khả năng tiếp cận hiện nay, cần có sự hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo quốc tế để củng cố hạ tầng tại Al-Mawasi.
Thống kê của Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho thấy khoảng 1,8 triệu người tại Dải Gaza, tương đương với 75% dân số trong khu vực, đã phải rời bỏ nhà cửa đến các trại tị nạn đông đúc và không đảm bảo điều kiện vệ sinh.
Cuối tuần qua, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, ông Volker Turk nhận định hiện không có nơi nào an toàn tại Dải Gaza.
Ông Turk cảnh báo hàng trăm nghìn người dân tại Gaza đang buộc phải sinh sống trong các khu vực nhỏ hơn ở vùng lãnh thổ phía Nam./.