Ngày 31/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo đã ký sắc lệnh yêu cầu bên mua nước ngoài phải thanh toán bằng đồng ruble để mua khí đốt của Nga từ ngày 1/4 tới và các hợp đồng sẽ bị tạm đình chỉ nếu các khoản thanh toán này không được thực hiện.
Theo hãng tin Reuters, trong tuyên bố của mình, Tổng thống Putin nêu rõ: "Để mua khí đốt tự nhiên của Nga, bên mua phải mở tài khoản bằng đồng ruble trong các ngân hàng của Nga. Từ các tài khoản này, các khoản thanh toán sẽ được thực hiện để mua khí đốt bắt đầu từ ngày mai (1/4)."
Nếu các khoản thanh toán như vậy không được thực hiện, Nga sẽ coi đây là lỗi từ phía người mua.
Trong phản ứng của mình, Đức và Pháp đã bác bỏ yêu cầu của Nga rằng các quốc gia châu Âu phải trả tiền cho khí đốt bằng đồng ruble, cho rằng điều này là hành vi vi phạm hợp đồng.
[Kịch bản của châu Âu trong trường hợp Nga dừng cung cấp khí đốt]
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết ông vẫn chưa thấy sắc lệnh mới được Tổng thống Putin, đồng thời nói thêm rằng Đức đã chuẩn bị cho mọi tình huống, bao gồm cả việc ngừng dòng vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng cho biết Pháp đã bác bỏ yêu cầu của Nga.
Trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ năm 1991, Tổng thống Putin ngày 23/3 đã đáp trả lại phương Tây bằng yêu cầu thanh toán khí đốt của nước này bằng đồng ruble.
Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Vyacheslav Volodin ngày 30/3 cho biết gần như toàn bộ năng lượng và các mặt hàng xuất khẩu của Nga có thể được định giá bằng đồng ruble.
Ông Volodin cho rằng sẽ đúng đắn khi mở rộng danh sách hàng hóa xuất khẩu bằng đồng ruble của nước này, bao gồm cả ngũ cốc, dầu mỏ và gỗ.
Các nước châu Âu, khu vực nhập khẩu khoảng 40% khí đốt từ Nga và thanh toán chủ yếu bằng đồng euro, cho biết Tập đoàn dầu khí quốc doanh Gazprom của Nga không có quyền thay đổi hợp đồng. Nga xuất khẩu hàng trăm tỷ USD khí tự nhiên sang châu Âu mỗi năm.
Gazprom cho biết đồng euro chiếm 58% các giao dịch xuất khẩu của tập đoàn này, trong khi đồng USD chiếm 39% và đồng bảng Anh chiếm khoảng 3%.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, các nhân viên điều tra chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) đã khám xét các văn phòng của Gazprom ở Đức do nghi ngờ rằng tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga đã tìm cách nâng giá trái phép ở châu Âu.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết ngày 29/3, các nhóm điều tra đã tiến hành thanh tra không báo trước tại văn phòng của một số công ty ở Đức hoạt động trong lĩnh vực cung ứng và dự trữ khí đốt tự nhiên, trong đócó Gazprom Germania GmbH và Wingas GmbH thuộc Tập đoàn Gazprom của Nga.
EC hiện đang xem xét các cáo buộc cho rằng Gazprom chèn ép khách hàng châu Âu bằng cách hạn chế nguồn cung, khiến giá tăng vọt./.
Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)