Sắc lệnh này cấm các công ty của Mỹ mua hoặc sử dụng thiết bị từ các công ty gây ra "rủi ro không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia của Mỹ hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ”.
Sắc lệnh viện dẫn Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA) 1977, cho phép tổng thống có quyền điều chỉnh các hoạt động thương mại để đối phó với mối đe dọa khẩn cấp quốc gia.
Theo văn bản này, Bộ Thương mại phối hợp với các cơ quan khác của chính phủ nhằm vạch ra kế hoạch cụ thể rồi thực thi trong 150 ngày.
Mặc dù Nhà Trắng cho biết sắc lệnh này không nhằm vào công ty hay quốc gia cụ thể nào, tuy nhiên, đây được coi là một động thái nhằm vào tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc bởi trước đó, Washington coi Huawei là một “mối đe dọa” và tích cực vận động các đồng minh của mình không sử dụng thiết bị của tập đoàn này cho mạng 5G thế hệ tiếp theo khi cho rằng các thiết bị của Huawei có thể bị Chính phủ Trung Quốc sử dụng với mục đích gián điệp.
Sắc lệnh này đã được xem xét kỹ càng trong vòng hơn một năm trước khi ban hành. Nó nhắm đến việc bảo vệ chuỗi cung ứng của Mỹ trước các "kẻ thù nước ngoài", theo Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.
"Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, người Mỹ sẽ có thể tin tưởng vào sự an toàn của dữ liệu và cơ sở hạ tầng của chúng ta", ông Ross tuyên bố.
Sắc lệnh được công bố đúng vào lúc căng thăng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới đã tung ra những đòn tăng thuế đáp trả nhau trong những ngày qua sau khi không đạt được thỏa thuận vào phút chót.
An Bình