Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, Tổng thống D.Trump bày tỏ tin tưởng rằng Triều Tiên đã thực hiện những bước đi cụ thể hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo này cũng đề cập tới một hành động thiện chí của Triều Tiên khi đã trao trả tự do cho 3 công dân Mỹ trước thềm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6/2018.
Theo nhận định của người đứng đầu Nhà Trắng, thì dù “đang có rất nhiều điều tốt đẹp đang diễn ra với Bình Nhưỡng”, song Trung Quốc không còn hỗ trợ nhiều đối với vấn đề Triều Tiên như trong quá khứ vì quan hệ căng thẳng thương mại với Mỹ.
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông D.Trump bày tỏ tin tưởng rằng, trong vòng 3 tháng qua, ông đã thu được những kết quả trong vấn đề Triều Tiên – điều mà những Tổng thống đã phải đối mặt trong suốt 30 năm qua.
Khi được hỏi rằng, liệu có khả năng diễn ra một cuộc gặp khác với nhà lãnh đạo Triều Tiên hay không, Tổng thống D.Trump cho biết: “Điều này rất có thể sẽ diễn ra, nhưng tôi không muốn bình luận gì vào lúc này”.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra ở Singapore hồi tháng 6/2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ D.Trump đã ký kết thỏa thuận, vạch rõ các điều khoản nhằm hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đề cập tới sự kiện này, Tổng thống D. Trump đã hoan nghênh kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, đồng thời tuyên bố Triều Tiên không còn là “một mối đe dọa hạt nhân”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông D. Trump đã đề cập tới nỗ lực của cá nhân ông với nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm tháo gỡ thế bế tắc hạt nhân hồi năm ngoái, vốn làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh mới trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Mỹ khẳng định: “Không còn thêm quả tên lửa đạn đạo nào được phóng đi, bầu không khí đã trở nên rất tĩnh lặng…Tôi có mối quan hệ cá nhân rất tốt với nhà lãnh đạo Triều Tiên và tôi cho rằng hai vấn đề này có mối liên hệ với nhau”.
Theo nhận định của giới phân tích, thông điệp mới nhất mà Tổng thống D.Trump vừa đưa ra không chỉ thể hiện một quan điểm lạc quan trong nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên mà còn nhằm bảo vệ những kết quả mà ông đã đạt được trong thời gian qua. Điều này mang một ý nghĩa đặc biệt, nhất là trong bối cảnh người đứng đầu Nhà Trắng đang phải đối mặt với dư luận vì đã “đưa ra quá nhiều nhượng bộ” trước nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, khi đã đồng ý tiến hành Hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên trước và sau đó ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc trong khi chỉ thu lại được “chút ít”./.
Thu Lan (Theo CNBC/Reuters, NHK)