Tổng thống Iran Ebrahim Raisi khẳng định Tehran "minh bạch" về các hoạt động hạt nhân của nước này.
Trong cuộc điện đàm ngày 8/9 với Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel, Tổng thống Raisi nhấn mạnh: "Sự hợp tác nghiêm túc của Cộng hòa Hồi giáo Iran với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) là một ví dụ rõ ràng về quan điểm minh bạch của Iran đối với các hoạt động hạt nhân của mình.”
Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ rằng: “Tất nhiên, trong trường hợp IAEA có cách tiếp cận không mang tính xây dựng, thì việc cơ quan này mong đợi một phản ứng mang tính xây dựng từ Iran là điều không hợp lý. Hơn nữa, những hành động không mang tính xây dựng dĩ nhiên đã làm đảo lộn tiến trình của cuộc đàm phán."
Trong khi đó, cùng ngày, ông Kazem Gharibabadi - đại diện của Iran tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) - cho rằng IAEA nên có thái độ khách quan đối với chương trình hạt nhân của Iran.
Ông khẳng định tất cả các hoạt động hạt nhân của Iran đều tuân thủ đầy đủ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân và các cam kết của nước này theo JCPOA cũng như các thỏa thuận về sự tự bảo vệ.
[Iran: Những cơ hội cho thỏa thuận hạt nhân là có thời hạn]
Ông nêu rõ: “IAEA phải duy trì tính độc lập, khách quan và chuyên nghiệp của mình và các thành viên IAEA phải nghiêm túc, kiềm chế, không gây áp lực đối với cơ quan này vì những mục đích chính trị của cá nhân mình.”
Những tuyên bố trên của giới chức Iran được đưa ra một ngày sau khi Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi chỉ trích Tehran đã “thiếu hợp tác,” khi ngăn chặn các thành sát viên của cơ quan này tới các địa điểm hạt nhân, trong khi tiếp tục gia tăng lượng dự trữ urani được làm giàu vượt tỷ lệ cho phép trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Cơ quan thuộc Liên hợp quốc (LHQ) này cho biết công tác giám sát của họ tại các cơ sở hạt nhân của Iran đã “bị ảnh hưởng nghiêm trọng" sau khi Tehran đình chỉ một số cuộc thanh tra kể từ tháng 2 vừa qua.
Hiện các cuộc đàm phán tại Vienna về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân JCPOA mà Iran đã ký kết với các cường quốc thế giới năm 2015 vẫn đang bế tắc.
Theo thỏa thuận này, Iran sẽ hạn chế tối đa chương trình phát triển hạt nhân để đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Tuy nhiên, nước Mỹ dưới thời của chính quyền Tổng thống Donald Trump năm 2018 đã đơn phương rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Một đạo luật được Quốc hội Iran thông qua vào tháng 12/2020 đã yêu cầu Chính phủ Iran ngừng thực hiện Nghị định thư bổ sung của IAEA, nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ không được dỡ bỏ trước ngày 23/2/2021.
Iran và IAEA đã đạt được một thỏa thuận tạm thời kéo dài 3 tháng vào ngày 23/2 vừa qua về việc lưu trữ những đoạn ghi hình từ các camera giám sát tại các địa điểm hạt nhân của Iran.
Theo thỏa thuận, Tehran chỉ cung cấp các hồ sơ này cho IAEA sau khi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Phía Tehran thậm chí đã gia hạn thỏa thuận này thêm một tháng vào ngày 23/5 vừa qua.
Ông Gharibabadi nêu rõ không thế lực nào có thể buộc Iran phải ngừng các hoạt động hạt nhân của mình, khi mà các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nước này vẫn tiếp diễn. Theo ông, thỏa thuận lưu trữ dữ liệu không nên được coi là quyền của IAEA hay là nghĩa vụ của Iran./.
Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)