Tổng thống Iran: Đàm phán với Mỹ "vô nghĩa" nếu không bỏ trừng phạt 

Tổng thống Rouhani nêu rõ: "Chính phủ, Quốc hội và người dân Iran nhìn nhận đàm phán với Mỹ là vô nghĩa chừng nào các biện pháp trừng phạt vẫn tồn tại.”
Tổng thống Iran: Đàm phán với Mỹ "vô nghĩa" nếu không bỏ trừng phạt

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ngày 11/9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán giữa nước này và Mỹ sẽ là "vô nghĩa" nếu Washington không bãi bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Trước đó, ngày 10/9, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng gặp ông Rouhani mà không cần điều kiện tiên quyết trong khi vẫn duy trì chiến dịch “gây sức ép tối đa” với Iran.

Theo website của Chính phủ Iran, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp, Tổng thống Rouhani nêu rõ: "Chính phủ, Quốc hội và người dân Iran nhìn nhận đàm phán với Mỹ là vô nghĩa chừng nào các biện pháp trừng phạt vẫn tồn tại.”

[Iran: Mỹ và Israel gây sức ép "thái quá" đối với chương trình hạt nhân]

Ông Rouhani cũng khẳng định nếu các thỏa thuận với châu Âu hoàn tất, Iran sẵn sàng quay trở lại những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Tehran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Ông Rouhani cũng nhấn mạnh cuộc gặp giữa Iran và Nhóm P5+1 chỉ có thể diễn ra khi các lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ.

Theo Tổng thống Rouhani, các bước Iran áp dụng cho đến nay nhằm giảm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân có thể đảo ngược.

Trong những tuần gần đây, Tổng thống Iran đã tiến hành một loạt cuộc điện đàm với Tổng thống Macron. Nhà lãnh đạo Pháp đang đẩy mạnh các nỗ lực của châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân.

Cùng ngày 11/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Iran về việc đẩy mạnh làm giàu urani, song vẫn để ngỏ khả năng Mỹ có thể dỡ bỏ trừng phạt nhằm mở đường cho cuộc gặp Tổng thống Iran Rouhani.

Khi được hỏi liệu ông có nới lỏng các biện pháp trừng phạt để giúp tạo điều kiện tiến hành một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Iran hay không, ông Trump trả lời "chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra," đồng thời cảnh báo "sẽ rất, rất nguy hiểm" nếu Iran đẩy mạnh dự trữ urani làm giàu.

Theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử, Iran chỉ được làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Ngoài ra, Iran được sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300kg và lượng urani dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.

Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran.

Quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi sau một loạt động thái gây căng thẳng từ hai phía như vụ Iran và Mỹ tuyên bố bắn rơi máy bay không người lái của nhau.

Iran bắt đầu giảm dần các cam kết của nước này trong thỏa thuận hạt nhân nhằm đáp trả chiến dịch "gây sức ép tối đa" của Mỹ.

Tuy nhiên, Iran cho biết các biện pháp này hoàn toàn có thể đảo ngược nếu các nước châu Âu tham gia thỏa thuận tìm ra cách thức giúp bảo vệ lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ quan trọng của Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ./.

Nguyễn Hằng (TTXVN/Vietnam+)

 

396 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1388
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1388
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87108241