Trong một tuyên bố trước khi lên đường sang Trung Quốc, ông Lee Hae-chan cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có hai cơ hội để gặp gỡ thượng đỉnh vào thời điểm hai nhà lãnh đạo tham gia hội nghị của Nhóm các nền kinh tế lớn trên thế giới (G20) diễn ra tại Đức vào tháng 7 tới và nhân dịp hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 24/8 tới.
Ngoài ra, ông Lee Hae-chan cũng xác định rõ ràng rằng ông sẽ phải gánh vác một trọng trách nặng nề nhân chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Trung Quốc, đó là tìm kiếm giải pháp xoa dịu quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh, vốn đang bị kéo căng bởi những tranh cãi xung quanh kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Trong đó, phải kể tới những thiệt hại trong quan hệ hợp tác kinh tế, du lịch, nhân sự…phát sinh bởi những biện pháp trả đũa của Trung Quốc liên quan tới kế hoạch triển khai THAAD. Đặc phái viên Lee Hae-chan khẳng định, ông sẽ nỗ lực hết mình để có thể giải thích một cách hiệu quả với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về lập trường của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong vấn đề này.
Báo chí Hàn Quốc cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc sắp tới, ông Lee Hae-chan dự kiến sẽ gặp gỡ một số quan chức cấp cao của nước chủ nhà, có thể gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Lee Hae-chan được cho là sẽ chuyển một bức thư cá nhân từ Tổng thống Moon Jae-in tới nhà lãnh đạo Trung Quốc, với nội dung nhằm giải thích rõ về đường lối chính trị của chính quyền mới tại Hàn Quốc.
Chuyến đi này của ông Lee Hae-chan diễn ra ngay sau khi Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Tập Cận Bình có cuộc điện đàm vào tuần trước, trong đó nhà lãnh đạo Trung Quốc đã mời Tổng thống Hàn Quốc sang thăm Bắc Kinh trong một động thái nhằm tỏ rõ thiện chí cải thiện mối quan hệ hai nước. Trong bối cảnh trên, dư luận Hàn Quốc đang tiếp tục chia rẽ về THAAD cho dù hệ thống này đã được triển khai bước đầu. Thậm chí vào ngày 17/5, một nhà lãnh đạo đảng Dân chủ cầm quyền, ông Woo Won-shik đã để ngỏ khả năng Hàn Quốc sẽ cân nhắc tới khả năng tháo dỡ và trao trả hệ thống THAAD cho phía Mỹ, viện cớ rằng quyết định quan trọng về an ninh quốc gia này đã được thực hiện trong khi chưa có sự phê chuẩn của quốc hội.
Nhà Xanh cho biết, trong cuộc điện đàm kéo dài 40 phút theo đề xuất của phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã giải thích lập trường phản đối của Trung Quốc trong kế hoạch triển khai THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Về phía ông Moon Jae-in đã tỏ rõ sự thấu hiểu trước lập trường trên của Trung Quốc, đồng thời lưu ý thêm rằng người dân và các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Trung Quốc đang trở thành đối tượng phải gánh chịu hậu quả từ những biện pháp trả đũa về kinh tế của Bắc Kinh liên quan tới THAAD.
Cựu Thủ tướng Lee Hae-chan là đặc phái viên thứ 3 của tân Tổng thống Hàn Quốc lên đường thực hiện sứ mệnh ngoại giao, sau hai ông Hong Seok-hyun, cựu Chủ tịch đồng thời là Tổng Giám đốc tập đoàn truyền thông JoongAng Ilbo, được cử làm đặc phái viên tới Mỹ và ông Moon Hee-sang, nghị sĩ của đảng Dân chủ cầm quyền, được cử sang Nhật Bản. Về phía Tổng thống Moon Jae-in cùng các đặc phái viên của ông đã tuyên bố rõ ràng rằng, nhiệm vụ của họ là truyền tải những thông điệp cá nhân của nhà lãnh đạo Hàn Quốc tới các đối tác bên ngoài, đồng thời giải thích cho các nước khác hiểu được những kế hoạch tương lai của tân Tổng thống đối với đất nước Hàn Quốc và vấn đề Triều Tiên.
Dự kiến, trong thời gian tới, Tổng thống Moon Jae-in sẽ tiếp tục cử đặc phái viên sang Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Đức./.
Thu Lan (Theo Yonhap, en.people.cn)