Hội nghị mang tên "Tiến trình hợp tác hòa bình và an ninh Kabul" đã khai mạc ngày 28/2 tại thủ đô Kabul của Afghanistan trong bối cảnh an ninh tại đây đang được siết chặt. Tham dự hội nghị có đại diện của hơn 20 quốc gia và các tổ chức quốc tế nhằm tìm ra giải pháp thông qua thương lượng đối với cuộc khủng hoảng kéo dài ở Afghanistan.

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai của Tiến trình Kabul này, ông Ghani nêu rõ: “Cần có một khuôn khổ chính trị cho hoà bình. Nên có một thỏa thuận ngừng bắn được tuyên bố. Lực lượng Taliban sẽ có thể được công nhận là một tổ chức chính trị, và một tiến trình xây dựng lòng tin sẽ được đưa ra”.

Xem như một tiền đề cho các cuộc đàm phán, Tổng thống Ghani cho biết Chính phủ Afghanistan sẵn sàng chấp nhận việc xem xét lại hiến pháp, phóng thích các tù nhân Taliban, xóa tên các thủ lĩnh Taliban khỏi danh sách trừng phạt của cộng đồng quốc tế cũng như mở văn phòng đại diện của Taliban tại Kabul hoặc ở các thành phố khác của Afghanistan. Đổi lại, Taliban sẽ phải công nhận chính phủ Afghanistan và tôn trọng nguyên tắc luật pháp. "Bây giờ, quyết định nằm trong tay các bạn. Chấp nhận hòa bình... và mang lại sự ổn định cho đất nước này" – ông nói.

Đề xuất của Tổng thống Ashraf Ghani được đưa ra một ngày sau khi Taliban kêu gọi Mỹ đàm phán với các đại diện của lực lượng này ở Qatar về cuộc khủng hoảng tại Afghanistan song sẽ không đàm phán với chính phủ Afghanistan hoặc hội đồng hòa bình của nước này.

Ngoài ra, Tổng thống Afghanistan cũng đã đưa ra điều kiện "tôn trọng quyền của công dân, đặc biệt là phụ nữ, phù hợp với hiến pháp" và "tôn trọng các lực lượng an ninh".

Về phần mình, các nhà chức trách sẽ phải cam kết bảo đảm sự an toàn của Taliban nếu lực lượng này chấp nhận đề xuất được đưa ra, dỡ bỏ lệnh cấm đi lại đối với một số lãnh đạo của họ và để có được sự ủng hộ quốc tế đối với các cuộc đàm phán.

Tuy nhiên, ông Ghani cũng cho biết "bất kỳ nhóm vũ trang nào có liên quan đến tổ chức khủng bố nước ngoài, chính phủ hay phi chính phủ, cũng sẽ không được cho phép trên lãnh thổ Afghanistan".

Trong quá khứ, Taliban vẫn luôn từ chối công nhận bản hiến pháp của Afghanistan ban hành vào tháng 1/2004, cũng như bác bỏ đề nghị đàm phán hòa bình, tuyên bố sẽ không tiến hành đàm phán cho đến khi quân đội nước ngoài rời khỏi Afghanistan.

Tuy nhiên, tuyên bố của lực lượng này với Mỹ vào ngày 26/2 lại cho thấy lần đầu tiên trong hai năm qua, Taliban sẵn sàng thảo luận sau một loạt các vụ tấn công gây nhiều thương vong cho thường dân ở Kabul vào cuối tháng 1 vừa qua./.

Khánh Linh (Theo AFP, Reuters)