Theo đó, trả lời phóng viên về việc sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán thì nhiều cơ quan cho rằng đã không được trao đổi lại như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế… ông Hồ Đức Phớc cho biết, trong quá trình thực hiện kiểm toán, thì Kiểm toán Nhà nước thực hiện theo đúng quy định của kiểm toán. Các cơ quan nói như thế chứng tỏ rằng, thứ nhất họ không trung thực, thứ hai là thiếu trách nhiệm, vì Kiểm toán Nhà nước trong quá trình làm là có sự trao đổi, sau khi lập biên bản kiểm toán thì phải có sự chứng kiến của đơn vị được kiểm toán” – ông nói.
Ông Hồ Đức Phớc cũng cho biết, “Chúng tôi có văn bản yêu cầu, đơn vị được kiểm toán giải trình các vấn đề mà Kiểm toán Nhà nước yêu cầu. Sau đó, Kiểm toán Nhà nước mới tiến hành lên dự thảo để báo cáo, rồi qua tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán. Thông qua tổ, thông qua đoàn, được hội đồng cấp vụ duyệt, từ đó đại diện Tổng Kiểm toán Nhà nước, có thể là Tổng Kiểm toán Nhà nước hoặc Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước mới duyệt lại. Luôn có những vấn đề được đưa ra như vấn đề bằng chứng, những kết luận này có bằng chứng không, văn bản biên bản làm việc ra sao, chứng từ thế nào…”.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, “phía Kiểm toán Nhà nước bao giờ cũng đề nghị, đơn vị được kiểm toán có báo cáo giải trình hết sức dân chủ, và mình đi đến tận cùng gốc rễ của sự việc, giải trình như thế nào, có đúng luật hay không và trên cơ sở giải trình của anh thì tôi đưa ra bằng chứng, thậm chí đưa ra bằng chứng và có tranh luận với nhau. Còn khi Kiểm toán Nhà nước đưa ra kết luận thì Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm về kết luận của mình”.
Ông khẳng định, đơn vị được kiểm toán thấy sai thì có quyền khiếu nại, thậm chí có quyền kiện ra tòa.
Trao đổi với phóng viên về việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phản ánh đã trao đổi rất nhiều lần, không đồng tình quan điểm của Kiểm toán Nhà nước nhưng cuối cùng kết luận vẫn đưa ra, ông Hồ Đức Phớc cho rằng, việc phản ứng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là không đúng. “Bởi vì chúng tôi mới chỉ nói đến chuyện thủ tục sai chứ chưa nói đến vấn đề trách nhiệm về thất thoát lãng phí. Ví dụ họ phản ứng là 18 dự án Kiểm toán Nhà nước kết luận không đúng, theo họ là trong việc phân bổ đó, bố trí vốn theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thì Kiểm toán Nhà nước yêu cầu nếu theo chỉ đạo thì văn bản nào, công văn nào? Thông báo làm việc nào?... thì không có. Như vậy rõ ràng họ làm việc không đúng. Hai nữa, họ nói việc phân bổ 11 lần vì do Luật Đầu tư công. Họ chủ trì soạn thảo luật này, mà theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như Luật ngân sách năm 2002, Luật đầu tư công thì phải phân bổ trước ngày 31/12, nhưng họ phân bổ đến 11 lần, mà chỉ 1 lần trước ngày 31/12 thì 10 lần sau là sai” – ông ví dụ.
Theo ông Hồ Đức Phớc, điều quan trọng là kết luận của Kiểm toán Nhà nước phải có đầy đủ bằng chứng và chịu trách nhiệm trước pháp luật. “Chúng tôi kiên định với kết luận của mình. Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng và chịu trách nhiệm trước Quốc hội khi báo cáo ra Quốc hội” – ông trao đổi./.
Minh Thư