Tổng kết 10 năm chương trình xây dựng nông thôn mới 

Ngày 10/10/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Chính, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Cán bộ, đảng viên, nhân dân đã nhận thức rõ hơn ý nghĩa của Chương trình đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, an ninh trật tự tại địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn gấp 2,5 lần so với năm 2010. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa. Tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn. Nhiều mô hình sản xuất sạch, hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao được hình thành và nhân rộng. Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới phát triển rộng khắp như: “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”; “ ngày thứ 7 tình nguyện vì nông thôn mới”. “hiến đất, hiến công”, “5 không, 3 sạch”... Từ đó đã khơi dậy, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống Nhân dân, góp phần thúc đẩy tốt việc huy động nguồn lực từ nhân dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, việc triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình hơn 65.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, tình trạng sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh còn thiếu bền vững. Một số địa bàn nông thôn vấn đề ô nhiễm môi trường có dấu hiệu tăng. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản vẫn đang là mối lo ngại của cộng đồng. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Một số địa phương coi trọng đầu tư cơ sở hạ tầng mà chưa quan tâm nhiều đến phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, tình làng nghĩa xóm. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Qua gần 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa sâu rộng, được người dân đồng tình hưởng ứng. Bước đầu đã hình thành những “miền quê đáng sống”. Đời sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện. Tuy vậy, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, Nhân dân trên địa bàn tỉnh về vai trò, trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện Chương trình còn hạn chế; nhiều nơi còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Kết quả xây dựng nông thôn mới không đồng đều giữa các địa phương, ở các xã miền núi số tiêu chí đạt thấp.

Để tiếp tục thực hiện Chương trình trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cũng như hệ thống chính trị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của các địa phương chưa đạt chuẩn nông thôn mới, các địa phương đã đạt chuẩn không được chủ quan mà phải tích cực thực hiện tốt việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí. Chú trọng thúc đẩy phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch – an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân nông thôn một cách bền vững. Làm tốt công tác bảo vệ môi trường nông thôn, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng tại các vùng quê nông thôn mới. Khơi dậy tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm của nhân dân chung sức, chung lòng trong xây dựng nông thôn mới. Huy động, lồng ghép có hiệu quả mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Phát động các phong trào thi đua để đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, làm tốt công tác thi đua khen thưởng. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Hồng Bốn

370 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 920
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 920
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76823009