Tòa Kiểm toán châu Âu chỉ trích EU chậm thúc đẩy đầu tư xanh 

Tòa Kiểm toán châu Âu đánh giá, EC sẽ cần đầu tư 1.000 tỷ euro/năm để chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa khí thải CO2 vào năm 2050, trong thực tế, giai đoạn 2021-2027 chỉ là 200 tỷ euro/năm.
Tòa Kiểm toán châu Âu chỉ trích EU chậm thúc đẩy đầu tư xanh

Tòa Kiểm toán châu Âu (ECA) công bố một báo cáo cho thấy Liên minh châu Âu (EU) chưa làm hết trách nhiệm trong việc khuyến khích đầu tư xanh bảo vệ môi trường.

Theo đánh giá của ECA, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ cần đầu tư 1.000 tỷ euro/năm để chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa khí thải CO2 vào năm 2050.

Trên thực tế, mức hỗ trợ tài chính mà các nước EU phải giải ngân trong giai đoạn 2021-2027 là 200 tỷ euro/năm.

Hiện, EC đặt mức đầu tư tối thiểu cho khí hậu tương ứng 30% ngân sách của khối EU (khoảng 1.074 tỷ euro) và 37% quỹ phục hồi EU (850 tỷ euro). Nhưng theo báo cáo, con số này vẫn chưa đủ.

Phát biểu với báo giới ngày 20/9, một thành viên ECA, kiểm toán viên Eva Lindström cho biết: “Các quỹ đầu tư của EU không nên rót tiền vào các dự án gây hại cho môi trường. Một số quỹ hiện nay vẫn sử dụng cho phát triển cơ sở hạ tầng khai thác nhiên liệu hóa thạch.”

Bà Lindström khuyến cáo EC cần áp dụng “nguyên tắc không gây hại đáng kể cho môi trường” đối với tất cả các quỹ của EU.

Nguyên tắc trên có nghĩa là đầu tư không được cản trở mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững, không gây ô nhiễm và trung hòa khí thải vào năm 2050 - điều cần được thực hiện tốt trước năm 2030.

Bà Lindström thừa nhận “đây là một thách thức chính trị,” song khẳng định rằng “đây là hướng đi mà EU cần theo.”

Hệ thống phân loại xanh của EU sẽ giúp các công ty điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế mới và hỗ trợ các nhà đầu tư tư nhân cũng như các tổ chức công chú trọng tới hướng đi đúng đắn.

[Các thị trưởng thế giới kêu gọi bảo vệ rừng, xanh hóa thành phố]

Tài liệu phân loại dài 414 trang này đã bắt đầu được áp dụng từ năm 2018 và trở thành trọng tâm trong kế hoạch hành động vì một nền tài chính bền vững.

Tài liệu này nhằm gắn tất cả các hoạt động kinh tế, từ nuôi lợn, sản xuất hóa chất, ximăng và thép đến vận tải… với các tiêu chuẩn tính theo đơn vị gram khí thải CO2 cho mỗi sản phẩm mà các nhà sản xuất được phép thải ra môi trường nhằm đảm bảo đầu tư bền vững.

Ví dụ, một ôtô khách chỉ được gọi là thân thiện với môi trường và hoạt động bền vững nếu thải dưới 50g khí CO2 trên mỗi km đường di chuyển.

Các nhà sản xuất ximăng được coi là bền vững nếu thải không quá 0,498 tấn khí CO2. Trong khi đó, lĩnh vực nước sạch và nước thải chỉ được phép thải dưới 0,5 KWh năng lượng sử dụng cho 1.000 lít nước.

Bà Lindström cho biết dù hệ thống phân loại trên chưa hoàn thiện, nhưng Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã sử dụng hệ thống này và nguyên tắc “không gây hại đáng kể” làm điểm khởi đầu cho mọi đầu tư.

Bà cho rằng EC cần làm tương tự: “Trong một số trường hợp, ngân sách của EU vẫn đang đổ vào các hạ tầng khai thác khí đốt. 40% số ngân sách này dành cho hỗ trợ nông nghiệp - lĩnh vực đang thải ngày càng nhiều khí.”

Bà Lindstrom thừa nhận rằng những năm gần đây, EC đã đề xuất nhiều biện pháp giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này. Nhưng nhiều kế hoạch tài chính xanh hiện vẫn bị trì hoãn hoặc chưa hoàn tất.

Thực tế giữa các nước thành viên EU đang tồn tại bất đồng về hệ thống phân loại nói trên, liên quan đến câu hỏi liệu khí tự nhiên và năng lượng sinh học có xứng đáng được gắn mác xanh hay không.

Tuy nhiên, bà Lindstrom nhấn mạnh không thể lãng phí thời gian thêm nữa cho tranh cãi này và “hệ thống phân loại cần hoàn tất phù hợp với các khuyến cáo khoa học đã được đưa ra”./.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

 

187 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1232
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1232
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87143542