Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại khu vực biên giới Armenia-Azerbaijan, ngày 13/9, các lãnh đạo của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) đã nhất trí cử một phái đoàn do Tổng Thư ký CSTO Stanislav Zas dẫn đầu tới Armenia.
Hãng tin Sputnik dẫn thông báo của Ban Thư ký CSTO cho biết phái đoàn sẽ đánh giá tình hình hiện tại, chuẩn bị một báo cáo chi tiết cho các nguyên thủ quốc gia tại phiên họp tiếp theo của hội đồng.
Cuộc họp dự kiến sẽ được tổ chức vào mùa Thu này tại thủ đô Yerevan của Armenia để thảo luận về tình hình trong khu vực và trình bày các đề xuất nhằm giảm bớt căng thẳng.
[Các nước thúc đẩy nỗ lực làm giảm căng thẳng Armenia-Azerbaijan]
Cũng theo thông báo của Ban Thư ký CSTO, trong cuộc họp khẩn của Hội đồng CSTO ngày 13/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo cho Hội đồng về các bước đi của Nga nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại biên giới Armenia-Azerbaijan.
Trước đó, Tổng thống Putin đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, trong khi Ngoại trưởng Sergey Lavrov điện đàm với người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov.
Phía Nga bày tỏ lo ngại trước tình hình leo thang tại biên giới Armenia-Azerbaijan, đồng thời kêu gọi cả hai bên tuân thủ lệnh ngừng bắn và các tuyên bố ba bên của các nhà lãnh đạo Nga, Azerbaijan và Armenia.
Trong khi đó, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đang liên hệ chặt chẽ với Baku và Yerevan, đồng thời triển khai các bước đi nhằm tạo điều kiện cho khả năng ổn định sớm nhất tình hình ở khu vực tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan.
Cũng trong ngày 13/9, văn phòng báo chí thuộc Phủ Tổng thống Azerbaijan cho biết Tổng thống Azerbaijan Illham Aliyev đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để thảo luận về tình hình leo thang ở biên giới Azerbaijan-Armenia.
Đụng độ giữa quân đội Armenia và Azerbaijan xảy ra đêm 12/9, đánh dấu bước leo thang trong căng thẳng đã kéo dài hàng thập kỷ giữa 2 bên liên quan đến khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh.
Armenia và Azerbaijan đã nhất trí ngừng bắn, bắt đầu từ 9 giờ giờ địa phương ngày 13/9, tuy nhiên thỏa thuận chỉ được duy trì trong vài phút.
Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn ly khai để sáp nhập khu vực này vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa 2 nước láng giềng mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra.
Vào năm 2020, giao tranh lại bùng phát giữa Azerbaijan và Armenia, kéo dài 44 ngày, trong khu vực tranh chấp này.
Cuộc xung đột kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian, trong đó lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được triển khai tới Nagorny-Karabakh.
Đầu tháng 8 vừa qua, Azerbaijan đã tấn công sau khi cáo buộc Armenia vi phạm lệnh ngừng bắn năm 2020 và yêu cầu phi quân sự hóa hoàn toàn khu vực này./.
Phương Oanh (TTXVN/ Vietnam+)