Trong thông điệp trên trang Twitter, ngày 19/8, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết ông đã nói chuyện với “hai người bạn tốt” là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Pakistan Imran Khan về thương mại, các mối quan hệ đối tác chiến lược, và quan trọng nhất là kêu gọi Ấn Độ, Pakistan cùng hành động để hạ nhiệt căng thẳng tại Kashmir. Theo nhận định của ông D.Trump thì tình thế giữa Ấn Độ và Pakistan đang rất khó khăn, song ông đã có các cuộc “đối thoại tốt đẹp” với lãnh đạo hai nước.
Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Pakistan Imran Khan, ông D.Trump đã nhấn mạnh “tính cần thiết của việc sử dụng những ngôn từ phù hợp…đồng thời tái khẳng định việc tránh đẩy tình hình leo thang và kêu gọi hai bên kiềm chế”. Còn trong cuộc điện đàm với ông Modi, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh cả Pakistan và Ấn Độ cần hành động để hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước nhằm duy trì hòa bình trong khu vực.
Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ cũng ra thông báo cho biết, nhân cuộc điện đàm với Tổng thống D.Trump, ông Modi đã nhấn mạnh “tầm quan trọng” của việc tạo dựng một môi trường không còn bóng dáng của khủng bố và bạo lực, cũng như tránh xảy ra khủng bố xuyên biên giới.
Giới phân tích cho rằng, những động thái mới nhất của ông D.Trump cho thấy dường như nhà lãnh đạo Mỹ đang nỗ lực duy trì các mối quan hệ kinh tế và an ninh với Ấn Độ, trong khi không để điều này tác động đến Pakistan – vốn là một đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố của Mỹ tại Afghanistan.
Khu vực Kashmir đã trở thành nguồn cơn gia tăng căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, sau khi New Delhi ban hành Đạo luật chia tách bang Jammu và Kashmir vào đầu tháng 8/2019 trong một động thái nhằm chính thức ngừng thừa nhận quy chế tranh chấp của vùng lãnh thổ tranh chấp này.
Theo đó, vùng lãnh thổ liên bang là Ladakh - không có cơ quan lập pháp - cùng Jammu và Kashmir - có cơ quan lập pháp - sẽ chính thức được thành lập từ ngày 31/10 tới. Pakistan đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ quyết định này, tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ hoạt động thương mại song phương với Ấn Độ và đưa vấn đề này ra Liên hợp quốc.
Những thông tin xuất hiện mới đây về việc Pakistan đã huy động máy bay chiến đấu và khí tài quân sự tới các căn cứ gần Ấn Độ lại càng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát xung đột quân sự liên quan tới tranh chấp lãnh thổ – một nguồn cơn mà vốn cho tới nay đã châm ngòi cho 3 cuộc chiến tranh giữa hai nước láng giềng Nam Á này./.
Thu Lan (Theo PressTV, NHK)