Hội nghị diễn ra trong một ngày với 04 Nghị quyết chuyên đề về: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Quán triệt Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII “Về về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CH XHCN Việt Nam nhấn mạnh: Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng đối ngoại được thực hiện có hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao. Vai trò của Nhân dân trong tham gia, quyết định chính sách liên quan đến cuộc sống, những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước được phát huy; quyền con người, quyền công dân được đề cao. Người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền chú trọng tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị, bức xúc của Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp, tạo sự đồng thuận, khơi dậy tinh thần yêu nước...; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường, phát huy, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định mục tiêu: Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Quán triệt Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Trong hơn 10 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện và hài hoà hơn, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Nhận thức của hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của chính sách xã hội trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn….
Tuy nhiên, chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Kết quả giảm nghèo có nơi, có lúc chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao, phân hoá giàu - nghèo có xu hướng gia tăng; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn lớn; các dịch vụ xã hội cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân…..
Đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho Nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế gắn với việc làm bền vững; nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Về tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Xây dựng hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho Nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước và xây dựng con người Việt Nam toàn diện. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới. Châu Minh