Tình hình Myanmar tiếp tục căng thẳng 

(Chinhphu.vn) - Đụng độ tiếp tục xảy ra tại Myanmar trong ngày 3/3. Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Myanmar, bà Christine Schraner Burgener cho biết đã có 38 người thiệt mạng.
Tình hình Myanmar tiếp tục căng thẳng

Phát biểu với báo giới ngày 3/3, bà Christine Schraner Burgener lên tiếng kêu gọi tổ chức đa phương lớn nhất thế giới có biện pháp đối với Myanmar nhằm ổn định tình hình đất nước, đồng thời cho biết bà đã có cuộc thảo luân với giới lãnh đạo quân đội Myanmar đề cập đến những biện pháp nhằm ổn định tình hình. 

Đụng độ tiếp tục xảy ra tại Myanmar trong ngày 3/3. Đặc phái viên Burgener cho biết đã có 38 người thiệt mạng.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hối thúc Myanmar "mở cửa" với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này. Phát biểu với báo giới tại Jakarta sau cuộc họp đặc biệt trực tuyến với ngoại trưởng các nước ASEAN về tình hình hình Myanmar ngày 2/3, Ngoại trưởng Marsudi cam kết các nước ASEAN sẽ không vi phạm "nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ” của nhau.

Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng ra thông cáo báo chí khẳng định, là quốc gia láng giềng gần gũi và thân thiện của Myanmar và là một phần của đại gia đình ASEAN, Thái Lan đã và đang theo dõi những diễn biến ở Myanmar với sự quan tâm. Bộ Ngoại giao Thái Lan bày tỏ hy vọng tình hình ở Myanmar sẽ giảm căng thẳng, hy vọng tất cả các bên ở Myanmar kiềm chế và tham gia đối thoại nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho tình hình trở lại bình thường vì lợi ích của người dân Myanmar”.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin lên tiếng kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và khôi phục tình trạng ổn định đất nước.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cũng hối thúc các đối tác bên ngoài của ASEAN không áp đặt trừng phạt kinh tế trên diện rộng gây tổn hại đến thường dân Myanmar. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nêu rõ: “Trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm Singapore, đang bắt đầu đánh giá lại các dự án đầu tư của họ vào nền kinh tế Myanmar”. Ông Balakrishnan nói thêm Singapore kêu gọi giới chức quân sự ở Myanmar thực hiện kiềm chế tối đa, cũng như bảo đảm chắc chắn không có thêm bạo lực và đổ máu. Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi giới quân sự Myanmar trả tự do cho nhà lãnh đạo được bầu cử Aung San Suu Kyi để cho phép đất nước tiến lên, đồng thời cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ gây tổn hại cho người dân.

AFP dẫn các nguồn tin ngoại giao tiết lộ cuộc họp kín của HĐBA LHQ sẽ được tổ chức vào 22 giờ đêm 5/3 (giờ Việt Nam), theo yêu cầu của Anh. Trước đó, HĐBA LHQ đã ra tuyên bố báo chí về tình hình Myanmar, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” cuộc chính biến ở Myanmar và kêu gọi giới lãnh đạo quân sự “trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ, bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi".

LHQ đang tìm cách xác định chủ nhân chiếc ghế đại diện Myanmar tại Đại hội đồng LHQ. Đài truyền hình quốc gia Myanmar vào cuối tuần qua đưa tin Đại sứ Kyaw Moe Tun đã bị sa thải khỏi vị trí Trưởng phái đoàn đại diện thường trực nước này tại LHQ và người phó Tin Maung Naing sẽ lên thay. Thông báo trên được đưa ra sau khi ông Kyaw Moe Tun kêu gọi cộng đồng thế giới hãy viện dẫn “mọi biện pháp cần thiết” để buộc quân đội trao trả quyền lực cho chính quyền dân sự, theo Reuters.

Myanmar rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng, bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD). Quân đội Myanmar cho rằng có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử gần đây, cho dù Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar bác bỏ cáo buộc này. Quân đội Myanmar cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính.

An Bình

180 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1032
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1032
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87123985