Nhận xét về tình hình lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nhật báo Les Echos cho rằng mức tăng của giá đang dần chậm lại cho thấy lời kêu gọi cắt giảm lãi suất từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang được lắng nghe để tránh thiệt hại cho nền kinh tế.
Theo công bố của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát ở Khu vực đồng euro vẫn đang giảm dần. Vào tháng 2/2024, lạm phát tăng 2,6%, trong khi tháng trước đó lạm phát ở mức 2,8%.
Giá thực phẩm tăng ít hơn so với tháng Một, tương tự đối với hàng hóa sản xuất và và ít hơn ở khu vực dịch vụ. Ở hầu hết các nước châu Âu, lạm phát đang chậm lại đáng kể, đặc biệt ở Đức, Pháp và cả Tây Ban Nha.
Tuy nhiên ngay cả khi hoạt động kinh tế ở khu vực đồng euro vẫn suy thoái và lạm phát chậm lại, rất ít khả năng những thông tin này sẽ thuyết phục ECB hạ lãi suất. Bởi vì những người chịu trách nhiệm về tổ chức có trụ sở tại Frankfurt vẫn lo ngại lạm phát sẽ kéo dài.
Đối với họ, dường như “dặm cuối cùng," tức là quay trở lại mức lạm phát 2%, là điều khó thực hiện nhất. Việc giá dịch vụ chỉ giảm rất chậm khiến họ lo ngại tiền lương sẽ tăng quá nhanh để có thể đưa lạm phát trở lại mức 2%. Trong khi đó, hoạt động sản xuất có xu hướng giảm từ hai năm nay ở Khu vực đồng euro và điều này có nguy cơ thúc đẩy lạm phát. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong ba thập kỷ, ở mức 6,4%.
Tuy nhiên, lãi suất tăng hiện đang có tác động đáng kể đến hoạt động kinh tế. Các khoản vay ngân hàng dành cho các công ty trong khu vực đồng euro đang bị tồn đọng, đầu tư kinh doanh cũng được dự đoán sẽ tiếp tục trì trệ. Và Cơ quan quan sát điều kiện kinh tế Pháp (OFCE) dự đoán chính sách tiền tệ hạn chế của ECB sẽ làm giảm mức tăng trưởng của Pháp 0,5 điểm phần trăm trong năm nay.
Với lạm phát chỉ trên 2% và lãi suất doanh nghiệp gần 5,5%, chi phí nợ thực tế đang tiến gần tới mức 3,5%. Trong môi trường mà GDP luôn giậm chân tại chỗ từ 18 tháng qua, chi phí này là rất cao đối với nền kinh tế.
Đặc biệt là vào thời điểm các quốc gia và công ty phải đầu tư vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để cạnh tranh bình đẳng với các cường quốc Trung Quốc và Mỹ, cũng như và vào việc tập trung nâng cao năng lực sản xuất vũ khí để đối phó với những mối đe dọa từ Nga.
Ông Xavier Ragot, Chủ tịch OFCE, bày tỏ mong muốn: “Ít nhất, ECB phải thông báo rằng họ sẽ nhanh chóng hạ lãi suất, nếu không, thiệt hại đối với nền kinh tế sẽ ngày càng lớn hơn theo thời gian.”
Còn ông Nicolas Goetzmann, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Financière de la Cité, công khai chỉ trích: “ECB đang chống lại việc tăng lương chứ không phải tăng giá."
Lý do cho sự thiên vị này rất đơn giản, đó là khu vực đồng euro tạo ra thặng dư tài khoản vãng lai nhờ phần còn lại của thế giới. Do đó, nó được hưởng lợi từ nhu cầu nước ngoài bằng cách nén nhu cầu của chính mình để đạt được khả năng cạnh tranh và tấn công thị trường nước ngoài.
Vấn đề đặt ra hiện nay là để giảm lạm phát từ 2,6% xuống 2%, sẽ cần phải giảm lãi suất các khoản vay và quyết định này phụ thuộc vào thái độ của ECB./.
Lạm phát của Eurozone, sau khi đạt đỉnh hơn 10% vào cuối năm 2022, đã giảm dần đều, xuống 2,6% trong tháng 2/2024 và đang hướng tới mục tiêu 2% của ECB.