Ngày 23/9, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Afghanistan, ông Luo Dapeng, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục tài trợ cho chương trình y tế của nước này, vốn đã bị ngưng lại khi Taliban lên nắm quyền, trong bối cảnh hệ thống chăm sóc sức khỏe bị rơi vào khủng hoảng.
Trong một cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Luo Dapeng cho biết hàng trăm nghìn người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất tại Afghanistan gần như không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe do hệ thống y tế đang bị quá tải.
Ông cũng cho biết thêm rằng WHO đang phối hợp với các nhà tài trợ để tìm kiếm các cơ chế hỗ trợ mới cho các cơ sở y tế tại Afghanistan.
[Afghanistan: Taliban cho phép trẻ em gái quay trở lại trường học]
Biến động chính trị tại Afghanistan với việc lực lượng Taliban trở lại nắm chính quyền đã đẩy nhiều nhà tài trợ quốc tế vào thế "tiến thoái lưỡng nan." Nhiều trong số này đang kín đáo viện trợ cho chính quyền Taliban, nhưng Afghanistan vẫn có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Nhiều chính phủ trên thế giới đã cam kết hỗ trợ khẩn cấp cho Afghanistan hàng triệu USD, song nhiều câu hỏi vẫn bỏ ngỏ liên quan đến sự phát triển dài hạn và hỗ trợ cho một nền kinh tế vốn phụ thuộc lớn vào viện trợ quốc tế.
Trong khi đó, hàng tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Afghanistan ở nước ngoài đang bị đóng băng.
Một dự án y tế trị giá khoảng 600 triệu USD của Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cho hàng trăm cơ sở y tế tại Afghanistan vẫn đang được thực hiện, nhưng WHO ước tính hiện chỉ có gần 20% số cơ sở này hoạt động đầy đủ.
Trong khi đó, số ca mắc sởi và tiêu chảy đang tăng mạnh. Khoảng 50% trẻ em Afghanistan có nguy cơ suy dinh dưỡng và hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vẫn chưa được sử dụng./.
Bích Liên (TTXVN/Vietnam+