|
Cuộc thi công chức thanh lịch. Ảnh: Internet
|
Theo kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021, toàn tỉnh buộc phải giảm gần 2.000 CBCCVC. Thời gian qua, việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm nhưng so với yêu cầu đặt ra thì số lượng người đã tinh giản biên chế vẫn còn thấp, quá trình thực hiện còn chậm. Đến nay, toàn tỉnh mới giảm được khoảng 350 CBCCVC. Như vậy, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện đề án tinh giản biên chế, Quảng Trị mới thực hiện được 17,5% số lượng người cần giảm trong 7 năm. Vì vậy, áp lực tinh giản biên chế dồn lại cho giai đoạn 2017 - 2021 rất lớn.
Theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ quy định có 7 trường hợp nằm trong diện phải tinh giản biên chế đó là: những CBCCVC không hoàn thành nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định về phẩm chất, năng lực, sức khỏe, trình độ chuyên môn, những người dôi dư do xác định vị trí việc làm và sắp xếp tổ chức nhưng không thể sắp xếp, bố trí được việc làm khác. Tuy nhiên, một thực tế đã và đang tồn tại hiện nay ở các cơ quan, đơn vị, địa phương là việc nhận xét, đánh giá CBCCVC hiện vẫn còn tư tưởng ngại va chạm, không dám nói thẳng, nói thật nên đánh giá chưa đúng thực chất, năng lực cán bộ.
Chính vì vậy, trong xếp loại hàng năm, hầu hết CBCCVC đều hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, rất ít người không hoàn thành nhiệm vụ. Cũng do việc đánh giá cán bộ không sát thực tế, khiến việc chỉ ra một CBCCVC “2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ” theo quy định rất khó để từ đó đưa họ ra khỏi biên chế. Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị cho rằng, biên chế ở thời điểm thực hiện tinh giản biên chế chưa đảm bảo theo chỉ tiêu giao; do áp lực công việc các cơ quan, đơn vị luôn có nhu cầu tăng biên chế nên việc tinh giản biên chế tối thiểu đảm bảo 10% đến năm 2021 khó thực hiện.
Mục tiêu của việc tinh giản biên chế nhằm hướng đến thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trên cơ sở sắp xếp, bố trí lại tổ chức hợp lý, tăng cường trách nhiệm và tăng năng suất lao động của CBCCVC. Với mục tiêu đó, trong tinh giản biên chế, khâu quan trọng chính là việc xác định vị trí việc làm, thực hiện việc đánh giá, phân loại CBCCVC đúng thực chất thì mới có thể xác định được số lượng người làm việc hợp lý trong từng cơ quan, đơn vị. Để xác định vị trí việc làm thật sự khoa học, cần nghiên cứu đổi mới phương pháp đánh giá CBCCVC đảm bảo chính xác, căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ; cách thức và tiêu chí đánh giá phải phù hợp với ngành nghề, công việc...
Qua đó, phát hiện những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để đưa vào diện tinh giản biên chế. Việc rà soát chức năng, nhiệm vụ để sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả là vấn đề cấp thiết. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể hàng năm để thực hiện tinh giản biên chế đảm bảo tối thiểu 10% cho toàn giai đoạn 2015 - 2021. Từ năm 2017 trở đi, mỗi năm phải giảm tối thiểu từ 1,5% - 2%. Nghị quyết 31/NQ-HĐND về chỉ tiêu biên chế hành chính, số người làm việc năm 2016 của HĐND tỉnh khóa VI quy định: UBND tỉnh xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% so với biên chế giao năm 2015; các cơ quan, đơn vị chưa xây dựng đề án tinh giản biên chế hoặc xây dựng chưa đạt mức tối thiểu 10% quy định sẽ không xem xét tuyển dụng mới, bổ sung biên chế khi được bổ sung nhiệm vụ hoặc thành lập mới tổ chức.
Đặc biệt, theo tinh thần Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 6/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ, nếu đơn vị, địa phương nào chưa giảm được biên chế sự nghiệp năm 2016 thì năm 2017 phải phấn đấu giảm tối thiểu 3% biên chế so với biên chế được giao 2015. Bởi vậy, các đơn vị, địa phương cần có giải pháp cụ thể thực hiện tinh giản biên chế trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Để phấn đấu đến năm 2021 phải giảm tối thiểu 10% số CBCCVC, các đơn vị, địa phương không còn thời gian chần chừ, nể nang nhau nữa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, sẽ có nơi giảm ít, nơi giảm nhiều và có nơi chưa phải giảm do mới thành lập tổ chức, bộ máy...
Nhà nước không quy định tỷ lệ giảm biên chế bình quân như nhau; không tiến hành giảm biên chế một cách nhất loạt, máy móc, cào bằng. Tuy nhiên, việc lập danh sách tinh giản biên chế cần đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, đúng đối tượng, chính sách trên cơ sở xác định cơ cấu, số lượng CBCCVC theo từng vị trí việc làm và đánh giá phân loại CBCCVC theo quy định. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ và quy mô của cơ quan, đơn vị để quyết định tỷ lệ tinh giản biên chế nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động. Ngoài ra, không lợi dụng tinh giản biên chế để giảm những người không cùng ê kíp, loại trừ những người đang làm được việc ra khỏi bộ máy nhà nước.
Lâm Thanh
|